Chào các bạn,
Trong xã hội hiện đại ngày nay, mỗi gia đình thường chỉ có từ 1-2 bé chứ không đẻ lứa đẻ chục như ông bà mình ngày xưa. Nhờ vậy mà trẻ em bây giờ luôn được ba mẹ quan tâm, chăm sóc và đầu tư tốt hơn. Ngoài việc học chính quy tại trường, các con còn được học phụ đạo rất nhiều bộ môn khác từ nghệ thuật, vận động cơ thể cho đến phát triển tư duy như học bơi, học võ, học nhảy, học đàn, học vẽ, học ngoại ngữ…
Việc học những kỹ năng mềm này hỗ trợ bé phát triển năng khiếu, tìm ra đam mê, mở rộng kiến thức của nhiều lĩnh vực. Trong bài viết này, mình muốn chia sẻ với các bạn kinh nghiệm cho Silk học các môn năng khiếu để các mẹ có thể áp dụng khi có ý định phát triển tài năng cho bé nhà mình.
Mình cho Silk bắt đầu học vẽ và học múa trước tiên.
Vì sau một khoảng thời gian quan sát, mình ngộ ra Silk có năng khiếu về nghệ thuật. Silk rất mê vẽ, vẽ mọi thứ, vẽ mọi lúc, vẽ mọi nơi. Vốn là một cô bé hiếu động, nghịch ngợm, ít tập trung nhưng cứ hễ vào bàn vẽ là cô ấy xuất thần kì lạ, nắn nót, tỉ mỉ cho bức tranh của mình. Thế là mình đăng ký cho Silk học vẽ tại trường Global Art. Chương trình học chỉn chu xấy dựng nền tảng từ tạo hình, vẽ chì cho đến dùng sáp dầu và màu nước. Tính đến thời điểm hiện tại, Silk đã học hơn nửa năm và kĩ năng vẽ của cô ấy ngày càng tinh tế, khéo léo hơn. Mỗi lần đi học về, mình đều hỏi thăm Silk học vẽ có vui không, có thích không…đều nhận được một nụ cười rạng rỡ. Đó là lí do vì sao mình tiếp tục cho Silk học vẽ theo sở thích của con.
Là một giáo viên dạy yoga, mình quá quen với việc nhìn vào cơ thể người khác. Khi Silk học múa ballet tại trường Elite Arts Academy , mình có đứng quan sát con cùng các bạn. Trẻ em thì bé nào cũng dẻo nhưng so với các bạn trang lứa khác, cơ địa của Silk không phải là một người quá linh hoạt. Do vậy, khi thực hiện các tư thế uốn lưng, đá chân, Silk vẫn còn bị hạn chế. Sau 3-4 tháng học múa, mình luôn hỏi lại con:”Silk có thích học múa ballet nữa không?” thì cô ấy trả lời:” Dạ không!”. Mình không có gì ngạc nhiên cả. Sau khi hỏi lý do (dù đã biết phần nào), mình tôn trọng ý muốn của con và cho Silk ngừng học múa.
Tiếp theo, mình cho Silk học bơi và học đàn
Chúng ta đều hiểu rằng bơi là một trong những kỹ năng sinh tồn quan trọng cần thiết cho cả người lớn và trẻ em. Đặc biệt mỗi trẻ sơ sinh đã là một vận động viên bơi lội thực sự ngay từ trong bụng mẹ nhờ bản năng dưới nước sẵn có. Đó cũng là lí do Silk nhà mình đã được làm quen với nước, duy trì bản năng quý giá này từ lúc 6-7 tháng tuổi. Nhờ vậy khi lớn lên, Silk không hề nhát nước và tập biết bơi khá nhanh khi gần 5 tuổi.
Trong mùa dịch bệnh kinh tế khó khăn, mình chọn một nơi chất lượng ổn mà học phí lại phải chăng. Đó là hồ bơi Lan Anh Garden Quận 2 gần nhà. Đây là địa điểm mỗi cuối tuần gia đình mình thường đến bơi lội và cho bọn nhỏ chơi đùa dưới nước. Phí vào cửa buổi lẻ là 100k cho ngày thường, 200k cho cuối tuần.
Sau khi ngừng học múa, mình hỏi Silk con muốn học gì nữa không? Silk nói con thích học đàn. Nhưng là đàn gì bây giờ?! Đầu tiên cô ấy chọn học guitar (oh wow, cá tính nhỉ). Chồng mình chơi guitar và trống khá giỏi. Thế là mình cho Silk học đàn guitar với ba trước tiên. Do guitar thường to và nặng nên mình muốn Silk tập thử qua ukulele. Ngón tay nhỏ bé bấm đàn khá đau khiến cô ấy chán nản không muốn học tiếp. Một phần bụt nhà không thiêng haha. Ba làm thầy dạy đàn có vẻ không hiệu quả.
Thế mình lại tiếp tục gạ hỏi con xem có hứng thú với piano không thì Silk đồng ý học ngay. Thế là mình đăng ký cho Silk học piano một kèm một tại trường Elite Arts Academy. Cô giáo và Silk ngồi trong phòng cách âm riêng với chiếc đàn piano cơ cổ điển. Mỗi ngày Silk đều học về nhạc lý, nốt, phách, làm quen với các phím đàn và cả học giữ nhịp với trống. Silk được nhận xét khá sáng dạ, nắm bắt nhanh, và có khiếu âm nhạc. Tuy nhiên, đôi khi cô ấy hay mất tập trung, mê chơi lo ra lắm. Silk thích học piano và hay kể chuyện ở lớp cho mình nghe. Mình rất vui khi giúp con phát triển đúng năng khiếu – sở thích của mình.
Đó là tiến trình học các môn năng khiếu của Silk nhà mình. Yếu tố cốt lõi không phải nhồi nhét cho con học càng nhiều càng tốt mà hãy lắng nghe con, quan sát con, xem con muốn gì cần gì hỗ trợ phát triển con đúng hướng. Hi vọng bài viết phần nào giúp các mẹ có thêm kinh nghiệm khi có ý định phát triển năng khiếu cho bé nhà mình nhé.
Trả lời