Vô tình mẹ Silk được một người bạn gửi tặng một quyển sách vừa mới phát hành mang tên “Nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc”. Đây là một ấn phẩm nghiên cứu, phân tích và chia sẻ về cách nuôi dạy trẻ con của người Đan Mạch – dân tộc được mệnh danh hạnh phúc nhất Thế Giới.
Tranh thủ trong lúc hai cha con Silk ôm nhau ngủ trong phòng, mình nằm dài trên chiếc ghế sofa quen thuộc và ngấu nghiến quyển sách mới mẻ này. Đây không phải là quyển sách nuôi dạy con đầu tiên mà mình có. Ngoài nuôi con kiểu Nhật, kiểu Mỹ, kiểu Do Thái, thì có vẻ nuôi dạy con kiểu Đan Mạch là hợp gu mình nhất.
Mới hoàn thành hai chương sách nhưng mình đã tâm đắc khá nhiều điểm trong công trình nghiên cứu nuôi dạy con kiểu Đan Mạch này. Các lập luận khoa học chặt chẽ đã đưa ra thực trạng tăng cao về việc cha mẹ không cho trẻ được vui chơi tự do đúng cách.
Qua bài viết này, mẹ Silk muốn trích dẫn một số nghiên cứu về hướng giáo dục trẻ con của người Đan Mạch mà mình tâm đắc nhất cho hội mẹ bỉm sữa cùng nghiền ngẫm nhé.
Bạn đã để con tự do vui chơi đúng cách chưa?
Không thể phủ nhận một hiện trạng là phụ huynh ngày nay mang tính cạnh tranh ngày càng cao. Chúng ta luôn muốn con mình là số một, con mình giỏi nhất, con mình vượt trội nhất. Chúng ta thích nhìn ngắm lũ trẻ chơi đá banh trong tiếng hò reo cỗ vũ của mọi người, tự hào khi con độc diễn piano trên sân khấu hoặc giựt huy chương trong giải múa ba lê.
Hoặc thậm chí, nhiều ba mẹ cố gắng cho con học vượt lớp, cho bé tập đọc, tập đếm số càng sớm càng tốt.
Bởi khi ấy, bạn mới có cảm giác là bạn là người cha/ người mẹ tốt. Bạn thấy thật lãng phí thời gian, thật có lỗi khi để bé tự do vui chơi. Và chúng ta đang có xu hướng huấn luyện con mình trở thành những người lớn xuất sắc và thành đạt hơn. Không lấy làm lạ với cảnh tượng ba mẹ than phiền mệt mỏi ngày đêm chở con đi học thêm các tiết ngoại khóa chồng chất. Trẻ con dần mất luôn cả cuối tuần với thời khóa biểu năng khiếu khủng khiếp từ học đàn, học vẽ, học võ, học bơi…
Có bao giờ bạn tự hỏi bạn đang tự lập trình cuộc đời con trẻ một cách thái quá không? Trẻ em của hai chục năm trước đây vui chơi kiểu gì? Đây có phải là cách tự do vui chơi hữu ích cho trẻ không?!
Tác dụng của tự do vui chơi thật sự?
Trích dẫn từ Sách “Nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc”, tự do vui chơi dạy trẻ bớt lo âu, ổn định cảm xúc và đối phó với căng thẳng. Việc cho trẻ tự do vui chơi thật sự giúp trẻ tăng khả năng tâm điểm kiểm soát nội tại. Tâm điểm kiểm soát nội tại là khả năng kiểm soát cuộc sống và các sự kiện tác động lên trẻ.
Ngược lại, người có tâm điểm kiểm soát ngoại giới lại tin rằng cuộc đời mình bị kiểm soát bởi các yếu tốt ngoại vi như môi trường , số phận hay những thứ họ khó lòng tác động đến.
Nói đơn giản và dễ hiểu hơn, việc bạn để con tự do vui chơi, đặc biệt là thời gian bé tự chơi một mình là rất quan trọng cần thiết. Khi bé chơi một nhóm bạn mà có trẻ lớn hơn hoặc xấu tính hơn ăn hiếp bé thì đừng vội can thiệp, đừng cố lao vào bảo vệ bé. Bởi khi ấy chính là lúc con học được cách chịu đựng, đối diện với căng thẳng, học cách tự bảo vệ bản thân mình. Nhờ đó, khả năng kiểm soát nội tại của con sẽ phát triển. Con sẽ biết mình phải làm gì khi tình cảnh tương tự xảy ra.
Với một đứa trẻ không được tự do khám phá, tự do vui chơi thật sự, bị ba mẹ sắp đặt quá nhiều thì tâm điểm kiểm soát ngoại giới sẽ tăng cao, kèm theo triệu chứng lo lắng, âu lo, trầm cảm. Bởi bé tin rằng mọi việc đều ngoài khả năng của bé, đều được sắp đặt bởi ba mẹ, số phận hay một thế lực siêu nhiên nào đó. Trẻ mất dần khả năng kiểm soát cuộc đời mình, số phận mình khi lớn lên. Và dĩ nhiên, trầm cảm, buồn bực là hệ lụy dễ hiểu.
Thế nào là tự do vui chơi thật sự?!
Dưới đây là một số mẹo hay hướng dẫn bạn cách bạn để con tự do vui chơi thật sự:
1. Tắt điện đi nào!
Tắt các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, ipad…đi nào! Óc tưởng tượng là những gì bạn và bé cần cho một cuộc vui chơi thật sự
2. Tạo không gian mở và đa dạng
Tạo lập một môi trường với nhiều chất liệu kích thích tất cả các giác quan – thị giác, thính giác, xúc giác và nhiều hơn thế nữa – để kích thích sự phát triển não bộ của bé trong lúc vui chơi.
3. Sử dụng nghệ thuật
Não bộ của trẻ phát triển khi chúng sáng tạo ra nghệ thuật. Đừng dạy con phải làm thế nào – cứ bày giấy bút, đồ chơi ra để trẻ tự sáng tạo.
4. Khám phá thế giới bên ngoài
Không phải ngẫu nhiên mà gia đình Silk thường xuyên đi du lịch, cho Silk lên rừng xuống biển, hay vui chơi thỏa thích công viên. Bởi đó là lúc con khám phá thế giới bên ngoài, tiếp cận thiên nhiên, dùng óc tưởng tượng để tự tạo ra niềm vui.
5. Chơi chung với các trẻ có độ tuổi khác nhau
Đừng ngại cho con chơi chung với trẻ ở nhiều độ tuổi khác nhau. Đứa trẻ này sẽ giứp đứa trẻ kia học hỏi, phát triển, hợp tác và cùng nhau tỏa sáng.
6. Để con tự do
Trẻ em không cần các hoạt động được vui chơi hướng dẫn bởi người lớn. Bạn càng để trẻ nắm quyền kiểm soát , sử dụng trí tưởng tượng và tự mình làm lấy mọi chuyện, trẻ sẽ càng giỏi hơn. Hãy thôi nghĩ rằng cho trẻ tự chơi tức là bạn đang không làm tròn nghĩa vụ cha mẹ. Bởi tự do vui chơi là điều con đang thiếu.
Không ít lần mình quan sát Silk tự ngồi chơi một mình giữa phòng khách. Cô ấy lấy gối xếp thành nhà, trải cái mền yêu thích làm khăn ăn, lấy lego làm đồ ăn và tưởng tượng đây là một bữa tiệc sinh nhật cho ba. Mình thích thú nhìn ngắm con chơi trong im lặng. Lâu lâu cô ấy chạy lại đút một muỗng đầy lego cho mẹ và bảo:” Đồ ăn Silk nấu đó, ngon không mẹ?!”. Mẹ không hề chỉnh sửa mà chỉ nói Silk nấu ngon lắm hehe.
7. Hãy chân thật
Nếu đã chơi cùng con, hãy chơi hết mình. Hãy ngu dại, hãy trẻ con, hãy chân thật như một người bạn thân của con vậy. Việc thả lỏng bản thân, chơi cùng con đáng giá hơn tất cả mọi món đồ chơi bạn mua cho con.
8. Để bé tự chơi
Tự chơi một mình vô cùng quan trọng với trẻ em. Chơi với đồ chơi là cách trẻ em chuyển hóa những trải nghiệm mới, mâu thuẫn gặp phải trong lúc tự chơi. Đây cũng là cách rất tuyệt phát triển trí tưởng tượng và khả năng liên tưởng.
9. Tránh can dự quá nhiều
Hãy nhắc đi nhắc lại thần chú cho bản thận: Chỉ thật sự can thiệp khi cấp thiết. Đừng vì muốn bảo vệ con, muốn con tránh tổn thương mà vội vàng can thiệp vào cuộc chơi của con quá sớm. Hãy để con tự học cách kiểm soát bản thân và khả năng phản kháng.
10. Buông tay
Đôi lúc bạn cũng cần buông tay ra để con tự làm bằng sức của mình. Khi bạn muốn tiến tới “cứu con”, hãy lùi lại một bước và hít thở sâu. Nhớ rằng đây là lúc con đang học hỏi những kỹ năng song hành cùng con suốt đời.
Chúc bạn và bé vui chơi tự do vui vẻ nhé.
Trả lời