Người mẹ nào cũng muốn đem đến cho con mình những gì tốt nhất. Tất cả chúng ta đều biết sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong sữa mẹ có chứa nhiều chất đề kháng và dưỡng chất. Các dưỡng chất này đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thay đổi của bé và bảo vệ bé khỏi viêm nhiễm và bệnh tật. Vì vậy mà các bà mẹ đều được khuyến khích nên nuôi con 100% hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong sáu tháng đầu.
Theo khoa học đã chứng minh hơn 80% phụ nữ đều đủ sữa nuôi con mình. Tuy nhiên thực tế không phải người mẹ nào cũng làm được điều này. Vậy nguyên nhân nào khiến việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ lại khó khăn như vậy? Mình xin liệt kê một số nguyên nhân thường gặp tác động đến lượng sữa mẹ.
- Mẹ căng thẳng
- Mẹ buồn chán
- Mẹ ăn uống thiếu chất
- Mẹ uống không đủ nước
- Mẹ không cho con bú đủ thường xuyên
- Mẹ không cho con bú đủ cữ
- Bé ngậm ti không đúng khớp ngậm
- Mẹ không biết cách kích sữa và duy trì nguồn sữa mẹ
- Mẹ cho trẻ uống sữa ngoài quá sớm
Để cung cấp đủ sữa cho con cũng như duy trì nguồn sữa mẹ, mình xin chia sẻ những “bí kíp” mà mình cũng đã từng tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng thành công để các bạn tham khảo. Việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ không còn là ước mơ xa vời của các bà mẹ nữa.
1. Tiếp da với con khi vừa mới sinh
Việc cực kì quan trọng khi bạn vừa sinh xong là phải được da tiếp da với con. Hiện nay, các y bác sĩ đều ủng hộ cho cuộc “gặp gỡ” thiêng liêng lần đầu này của mẹ và bé. Bởi khi được tiếp da với mẹ, bé sẽ hình thành ngay phản xạ tìm ti mẹ để bú. Nghe có vẻ hoang đường nhưng thật sự là như vậy.
Bé Silk khi vừa sinh ra là được đặt ngay trên bụng mình. Trong hình hài còn đỏ hỏn, bé lóng ngóng, mày mò tìm ti mẹ. Có thể nói không khoảnh khắc nào có thể hạnh phúc hơn lúc ấy. Nếu bạn càng để lâu, bé sẽ bị mất phản xạ này hoặc sẽ mất nhiều công sức để luyện cho cho bé cách bú mẹ.
Quan niệm mẹ ba ngày sau mới có sữa là quan niệm sai lầm, và con ko chịu ti mẹ thường là vì mẹ ba ngày sau mới bắt đầu cho bú. Bạn nên lưu ý ba ngày đầu là thời điểm sữa non (những giọt sữa đầu tiên, đặc quẹo và có màu vàng đậm) cực kì quý giá, vô cùng tốt cho sự phát triển của trẻ sơ sinh. Bạn nhất định phải cho con bú được sữa non vì quyền lợi của bé.
Trong những trường hợp mẹ đẻ mổ gây mê chưa tỉnh, thì bố có thể làm luôn việc đặt con lên ngực bố. Ở nước ngoài việc này rất bình thường nhé!
2. Cho con bú khi vừa mới sinh
Như mình đề cập ở trên, bạn phải cho con bú sữa non khi vừa mới sinh. Trong ngày đầu mới sinh, mẹ chỉ sản xuất ra một lượng sữa non nhỏ (khoảng 10ml mỗi bên, và phải bú khoảng 20-30 phút mới ra được lượng như thế này), nhưng như vậy là đủ cho bé bạn nhé.
Nếu bé khóc thì bạn lại cho bú tiếp. Đừng quá lo lắng nếu sờ thấy ngực mềm hoặc vắt ra ko thấy gì, vì sữa đặc nên vắt rất khó, nhưng bé bú thế nào cũng ra. Cho con bú ngay từ ngày đầu mới sinh, sữa mẹ sẽ tăng dần theo nhu cầu của con. Sau 2 đến 3 ngày nguồn sữa bắt đầu ổn định, ngực mẹ mới có cảm giác căng và đau. Lúc ấy sữa chính đã về nhưng sữa non thì hết các bạn nhé!
3. Cho bé bú đúng khớp ngậm
- Cằm bé cắm sâu vào bầu vú mẹ
- Đầu bé ngửa ra (góc giữa cằm cổ khoảng 140 độ)
- Lưỡi của bé đưa ra phía trước, đè lên nướu dưới
- Miệng bé mở rộng (như cá đớp mồi), không chỉ ngậm đầu ti và ngậm sâu vào quầng vú.
- Bé ngậm nhiều quầng vú dưới hơn quầng vú trên. (Đỉnh đầu ti sẽ chạm sát vòm trên trong họng bé.)
- Mẹ không có cảm giác đau hay khó chịu khi bé nút.
- Khớp bám rất chắc cho dù lúc bé ngưng nút.
- Bé nút nhanh ngay lúc đầu (massage), sau đó khi có sữa bé nút, nuốt, thở, thỉnh thoảng nghỉ vài phút rồi lại nút tiếp.
4. Nguyên tắc 20 phút
Bạn phải cho con bú ít nhất 20 phút mỗi bên ngực. Vì sao lại là 20 phút? Bởi đây là khoảng thời gian hợp lý để đảm bảo bé bú được đến sữa béo.
Thành phần sữa mẹ gồm hai loại: sữa đầu và sữa sau. Sữa đầu thường loãng và trong, có tác dụng giải khát cho bé như món khai vị. Sữa sau đặc, béo, đục và chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn. Nếu mẹ cho bé kết thúc sớm hơn 20 phút, con sẽ chỉ bú được nguồn sữa đầu sẽ không đủ no. Bé ngủ chập chờn, hay hờn khóc, chậm tăng cân, dễ bị đau bụng vì bụng toàn nước chứ ko có chất đạm.
Ông bà xưa hay khuyên các mẹ nên cho bé bú bên này ngực một ít, bên kia ngực một tí để ngực đều nhau là hoàn toàn sai lầm các mẹ nhé! Tuy nhiên, bạn cũng không nên cho con ngậm ti quá lâu, mẹ sẽ bị nứt đầu ti vô cùng đau.
5. Cho con bú cạn hoàn toàn mỗi bên ngực
Để tạo ngày càng nhiều sữa và duy trì nguồn sữa mẹ, bạn cần cho con bú đúng cách. Cách đơn giản nhất là cho bé bú cạn hoàn toàn mỗi bên ngực. Ngực của mẹ như ly nước. Nếu bạn uống 1/2 ly nước để đó thì cơ thể chỉ tạo thêm 1/2 lượng sữa đổ vào mà thôi. Lâu ngày, cứ theo quán tính, cơ thể cứ thế tạo sữa ngày một ít đi vì ngực chưa bao giờ cạn sữa hoàn toàn. Vì vậy bạn phải cho con bú hết hoàn toàn một bên ngực (trong 20 phút, thường bú ngực phải trước nhe), sau đó mới qua ngực còn lại nếu bé còn đói. Việc này đảm bảo nguồn sữa mẹ sẽ được tái sản xuất nhanh và nhiều hơn rất nhiều.
Trong trường hợp con không bú hết, mẹ nên vắt hết sữa ra để dành. Mình sẽ chia sẻ cách thức bảo quản sữa mẹ đúng cách trong bài viết sau. Quy luật cần nhớ nữa là nếu con không ăn hết được cả 2 bên ngực trong 1 lần, thì nếu lần này bú ngực trái trước cho hết sữa bên này, sau đó bú khoảng nửa ngực phải là đã no. Thì đến lần bú sau phải bú ngực phải trước, rồi mới chuyển sang trái.
6. Quy luật 3 tiếng
Đối với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, mỗi cữ bú nên cách 3 tiếng một lần. Quy luật này không chỉ giúp mẹ duy trì nguồn sữa mà còn khiến công cuộc ăn uống của con nhẹ nhàng và dễ dàng hơn rất nhiều.
Kể cả con ngủ say hơn 3 tiếng, cũng cần thiết phải cho con bú hoặc bạn cứ hút sữa ra để đảm bảo nguồn sữa mẹ được sản xuất dồi dào hơn. Nếu bú ít hơn 3 tiếng/lần (có bé háu ăn hoặc ít ngủ, 1, 2 tiếng đã đòi ăn rồi) mẹ sẽ khá mệt nhưng nếu không có sự lựa chọn vẫn nên làm. Còn nếu 4 tiếng mới cho con bú/lần, đảm bảo sau 1 tuần lượng sữa sẽ giảm đi trông thấy, sau 2 tuần sẽ mất sữa luôn. Điều này đã được bệnh viện kiểm nghiệm nhé!
7. Trang bị máy hút sữa tốt
Nếu bà mẹ nào muốn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ thì máy hút sữa là người bạn thân không thể thiếu. Sau 3 tiếng mỗi cữ con bú, bạn cần rút hết sữa ra để ngực trống. Khi ấy cơ thể bạn sẽ hiểu mình thiếu sữa. Cứ thế mà cơ thể tạo ra ngày càng nhiều sữa hơn. Sau đó, bạn có thể trữ sữa dư trong những túi sữa hoặc hộp nhưạ chuyên dụng để ngăn đá dùng được tận 3 tháng các bạn nhé!
Lời khuyên chân thành là các mẹ nên đầu tư một cái máy hút sữa điện, chất lượng tốt, đừng mua máy hút sữa tay vì rất tốn thời gian mà sữa ra không đều. Với máy hút sữa điện bạn chỉ mất khoảng TB 10 phút là hút xong 1 bên. Lưu ý sau mỗi lần hút, bạn nhớ rửa bộ bình hút sữa sạch sẽ và tiệt trùng sẵn cho lần dùng sau nhé.
8. Tinh thần thoái mái và ăn chín uống sôi
Tinh thần là một trong những yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến lượng sữa của mẹ. Mình biết các bà mẹ mới sinh thường cảm thấy mệt mỏi, chán nản, stress vì thân hình xấu xí, bù đầu chăm con, áp lực từ gia đình…Nếu để ý, bạn sẽ thấy những lúc đó sữa về cực ít thậm chí cả ngày không có giọt sữa nào. Mình đã từng trải qua giai đoạn ám ảnh này. Vì vậy, hãy cố gắng suy nghĩ tích cực, tinh thần vui vẻ, đừng quá đặt nặng chuyện sữa nhiều sữa ít…là bạn sẽ đủ sữa cho con bú thôi.
Ngoài ra, bạn phải có một chế độ ăn uống hợp lý. Thật nhiều nước ấm và sữa nóng, nhiều rau xanh, đa dạng thực phẩm, vừa phải tinh bột…ưu tiên ăn chín uống sôi là không phải lo lắng sữa ít nữa nhe. Mẹo hay là trước mỗi cữ con bú khoảng 30ph bạn chỉ cần uống một ly sữa nóng hoặc một ly nước ấm là kích thích gọi sữa về nhiều hơn nhe.
9. Nói không với sữa công thức trong 6 tháng đầu
Bạn cứ nhớ rằng bạn cho con bú bao nhiêu ml sữa công thức thì sẽ làm cho sữa mẹ ít đi bấy nhiêu. Hãy dũng cảm vượt qua mọi “dư luận” để nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu tiên là đem lại những gì tốt nhất cho con.
Có những lúc con gào khóc mà bạn cảm giác ngực mình không có sữa, cứ mạnh dạn cho con bú nhe. Vì nhiều khi mình tưởng mình không có sữa nhưng yên tâm bất cứ lúc nào trong người mẹ cũng có sữa, chỉ là ít hay nhiều. Cho con bú thường xuyên là cách gọi sữa về nhanh nhất và nhiều nhất.
Bài dài quá rồi 🙂 Mình mong rằng ngày càng nhiều trẻ nhỏ Việt Nam đều được nuôi dưỡng bằng nguồn sữa mẹ quý giá ít nhất trong sáu tháng đầu. Các bà mẹ trẻ như mình hãy kiên định cố gắng đem lại những gì tốt nhất cho con các bạn nhé.
Để lại một bình luận