Người mẹ nào cũng muốn đem đến cho con mình những gì tốt nhất. Tất cả chúng ta đều biết sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong sữa mẹ có chứa nhiều chất đề kháng và dưỡng chất. Các dưỡng chất này đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thay đổi của bé và bảo vệ bé khỏi viêm nhiễm và bệnh tật. Vì vậy mà các bà mẹ đều được khuyến khích nên nuôi con 100% hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong sáu tháng đầu.
Tuy nhiên, để duy trì công cuộc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ được dài lâu, bạn cần biết cách bảo quản sữa mẹ đúng cách. “Làm thế nào để bảo quản sữa mẹ đúng cách” là câu hỏi cấp thiết thường gặp nhất của tất cả các bà mẹ trẻ. Qua bài viết kì này, mình muốn chia sẻ một số kinh nghiệm hay bảo quản sữa mẹ đã giúp mình nuôi Silk thành công hoàn toàn bằng sữa mẹ trong suốt 10 tháng tuổi.
Tổng quát chung
Sữa mẹ được bảo quản bằng tủ lạnh mà giá trị dinh dưỡng không hề thay đổi các mẹ nhé. Tuy nhiên, các mẹ phải biết cách cất giữ, rã đông và hâm nóng đúng cách, để không ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ.
Thời gian bảo quản sữa mẹ
Đầu tiên mình sẽ lướt sơ qua về các cột mốc thời gian bảo quản sữa cho các mẹ dễ nắm bắt:
- Phòng trên 26 độ C: 1 tiếng
- Phòng máy lạnh, nhiệt độ dưới 26 độ C: 6 tiếng
- Ngăn mát tủ lạnh: 48 tiếng
- Ngăn đá tủ lạnh nhỏ (tủ lạnh một cửa): 2 tuần
- Ngăn đá tủ lạnh hai cửa (ngăn đá có cửa riêng): 3 tháng
- Tủ đông lạnh chuyên dụng: 6 tháng
Dụng cụ bảo quản sữa
- Ly trữ sữa bằng thuỷ tinh hoặc nhựa không chứa BPA, có nắp đậy chống tràn, có thể rửa sạch và dùng lại nhiều lần. Ly trữ sữa thuận tiện cho việc bảo quản sữa hút ra trong ngày.
- Túi trữ sữa: loại một lớp dây kéo, mỏng, dễ bị rách có giá thành rẻ; loại hai lớp dây kéo, dày, giá thành đắt, chất lượng tốt hơn. Túi trữ sữa phù hợp cho việc trữ sữa trong ngăn đông, bảo quản trong thời gian dài
- Bút dầu chống nước để ghi ngày, tháng, năm hút sữa lên bịch.
Phần 1: Cách bảo quản sữa hút ra dùng trong ngày
Mình lấy ví dụ cách mình bảo quản sữa mẹ hút trong ngày trong 3 tháng đầu sau sinh nhé. Một ngày mình có 6 cữ hút sữa, mỗi cữ cách nhau 3 tiếng, cụ thể 7g -10g – 13g – 16g – 19g – 22g. Mình chuẩn bị đủ 6 ly đựng sữa có nắp đậy đã được tiệt trùng sạch sẽ và dùng bút lông không lem ghi lên 6 ly đựng sữa giờ chính xác của mỗi cữ hút.
Sau cữ hút lúc 7g sáng, mình cho sữa vào ly 7g rồi để vào ngăn mát tủ lạnh. Rồi đến cữ 10g mình cũng hút xong và cho vào ly 10g. Mình TUYỆT ĐỐI không trộn sữa mới hút lúc 10g với cữ 7g đã cho vào ngăn mát cách đây 3 tiếng với nhau. Bởi hai sữa này có nhiệt độ hoàn toàn khác nhau. Việc trộn chung sữa có hai nhiệt độ khác nhau dễ dẫn đến nảy sinh vi khuẩn, khiến sữa mau hư hỏng. Tai hại hơn, bé bú sữa hỏng mà mẹ không hề hay biết.
Đến mỗi cữ bé bú, mẹ chiết ra một lượng vừa đủ bú từ mỗi ly trữ trong ngăn mát và hâm nóng sữa ở nhiệt độ 40oC. Phần sữa bú không hết nên cho bé bú lại trong vòng 1 tiếng. Nếu vẫn thừa, các mẹ bỏ đi, không được bỏ lại vào các ly trữ trong ngăn mát hoặc trữ đông.
Cuối ngày, tức cữ 22g đối với ví dụ nêu trên, bạn có thể dồn lượng sữa còn lại trong tất cả các ly vào túi trữ sữa có dây kéo. Bạn ghi lên túi trữ ngày, giờ hút của cữ đầu tiên (tức cữ 7g), rồi cho qua ngăn đông, bảo quản trong vòng 3 -6 tháng tính từ ngày bạn ghi.
Lưu ý quan trọng
Thứ nhất
Sáu tuần đầu sau sinh, các mẹ phải ưu tiên cho con bú mẹ trực tiếp, KHÔNG được cho bé bú bình/ngậm ti giả. Điều này khiến bé sai khớp ngậm, ảnh hưởng đến lượng sữa bé bú và việc duy trì sữa mẹ. Việc cho bé bú trực tiếp và đúng khớp ngậm không chỉ giúp bé bú đủ và no, mà còn giúp massage các dây thần kinh ở ngực kích thích sữa mẹ về nhiều hơn.
Do vậy, trong giai đoạn 6 tuần đầu tiên, sau mỗi cữ bé bú xong, mẹ chịu khó ngồi hút thêm 15 phút để ngực hoàn toàn trống tạo thêm sữa mới nhiều hơn. Sữa hút ra mẹ dự trữ trong các ly theo như mình trình bày ở trên, cuối ngày cho vào túi kéo trữ đông.
Thứ hai:
Mỗi bình chứa sữa chỉ nên để 60-120ml, vừa đủ cho 1 lần ăn của trẻ để tránh lãng phí và đảm bảo vệ sinh.
Thứ ba:
Không nên đổ đầy sữa vào ly/túi trữ, để lại một khoảng trống nhỏ vì sữa đông lạnh chiếm nhiều thể tích hơn sữa.
————————-
Vậy là mình đã hoàn thanh xong Phần 1 về cách bảo quản sữa mẹ vắt ra trong ngày. Trong phần 2, mình sẽ chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm hay về việc bảo quản cũng như sử dụng sữa trữ đông nhé.
Chúc các mẹ thành công với công cuộc sữa mẹ vĩ đại nhé.
Mẹ Silk
nguyễn thị chi
thank so much