Ở từng giai đoạn phát triển kỹ năng của con như lẫy, ngồi, bò, đi, ăn dặm..mình đều nghiên cứu, tìm tòi những phương thức tốt nhất để hỗ trợ con hoàn thiện kĩ năng hơn. Hiện Silk đang bước vào giai đoạn tập nói. Ngay từ lúc Silk chào đời, mình đã biết tầm quan trọng của việc trò chuyện cùng con.
Trò chuyện với con là một trong những cách thức đơn giản xây dựng tình cảm gia đình, kích thích trí não, khả năng giao tiếp và phát triển vốn từ vựng của con.
Bạn đừng bao giờ nghĩ con còn nhỏ thế nghe mà biết gì?! Khoa học chứng minh rằng một số từ ngữ bé nghe được trong những năm đầu đời có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phát triển ngôn ngữ của bé cũng như chỉ số IQ về sau của bé. Qua bài viết này, mình muốn chia sẻ 4 mẹo nhỏ giúp các mẹ bỉm sữa có con ở độ tuổi như mình có thể hỗ trợ con nhanh biết nói hơn.
I. Tăng cường giao tiếp với bé
Từ 1-2 tuổi, bé đối thoại bằng động tác chỉ trỏ vào thứ mình muốn là chính. Dù bạn hiểu ý bé muốn gì nhưng nên đặt câu hỏi với bé:”Con muốn uống nước hả? / Con muốn ăn gì? Táo hả?” và đợi tín hiệu trả lời của bé. Thường thì câu trả lời mình nhận được từ Silk là “A A A!! Á :))” rồi vẫn tiếp tục chỉ trỏ vào thứ Silk muốn.
Đó là tín hiệu tốt cho thấy con đang trò chuyện cùng bạn. Việc tăng cường giao tiếp với bé giúp bé xây dựng vốn từ nhiều hơn và nhanh biết nói.
II. Phát âm rõ ràng, chính xác
Mình để ý một số người lớn có thói quen cố tình nói đớt/ nói ngọng khi trò chuyện với bé. Đa phần mọi người nghĩ như vậy bé sẽ dễ nghe và thích thú với “giọng trẻ con” như vậy hơn. Tuy nhiên, bạn nên biết bé lắng nghe tất cả mọi thứ bạn nói, và nhớ rất tốt. Đừng vờ nói ngọng, bé sẽ bắt chước rất nhanh và tạo tiền đề xấu phát âm sau này.
Thay vào đó, bạn chỉ cần nói chậm và rõ ràng, dùng từ ngữ đơn giản khi trò chuyện cùng bé. Như ở nhà mình, Silk rất thích leo trèo cầu thang/ giường/ ghế…Mỗi lần thấy Silk lân la sắp “giở trò” leo trèo là mình nói ngay với con:”Silk! Ngã! Đau!”. Ban đầu, nàng ta vẫn lì lợm quậy tiếp. Sau một lần té rớt giường, Silk đã biết cảm giác thế nào là Đau nên mỗi lần mình nói Đau là Silk dè chừng cảnh giác hơn.
III. Chăm chỉ đọc sách cho bé nghe
Không bao giờ là quá sớm đối với việc bạn thường xuyên đọc sách cho bé nghe đâu nhé, thậm chí ngay cả khi bé còn trong bụng mẹ, đây là việc làm rất tốt để bé có thể phát triển tư duy về mọi mặt, đặc biệt là tư duy ngôn ngữ.
Mình thường đọc những mẫu truyện ngắn Ehon Nhật bản cho Silk nghe. Hình vẽ trong sáng, cốt truyện đơn giản, màu sắc phong phú nên Silk rất thích. Cuốn “Cá vàng trốn ở đâu rồi nhỉ?” từng là ngôi sao của lòng Silk. Mình dẫn Silk đi đâu du lịch hay ra ngoài đều đem theo “bùa hộ mệnh” này. Mỗi lần mẹ mở sách ra đọc là Silk cười tít mắt. Bật mí là Silk thích giọng đọc của mẹ hơn ba vì mẹ pha nhiều trò vui khi đọc truyện hơn ba. Đây là cách thức cực kì đơn giản giúp trẻ nhanh biết nói hơn.
IV. Thường xuyên cho trẻ nghe nhạc
Silk nhà mình rất đam mê âm nhạc. Cứ hễ nghe thấy nhạc tèn ten ten là chị ta nhún nhảy, lắc lư ra điệu luôn đó nhe. Vì vậy, mình không mấy bất ngờ khi Silk chọn bốc ngay cây đàn trong ngày tổ chức thôi nôi.
Không chỉ riêng Silk mà đa phần các bé đều rất thích nghe nhạc, đặc biệt là những bản nhạc có tiết tấu vui nhộn. Bé sẽ lắc lư, nhịp nhàng theo điệu nhạc để cảm nhận giai điệu, ngôn từ trong đó. Thường xuyên cho trẻ nghe nhạc vừa có tác dụng phát triển ngôn từ của trẻ vừa kích thích trẻ nhanh biết nói một cách hiệu quả. Silk nhà mình còn biết ê a hát theo điệu nhạc nữa mà.
Bạn cũng có thể hát cho bé nghe những bài hát thiếu nhi, vè, thậm chí là đọc ca dao, tục ngữ, thơ…Mỗi bài hát, bài thơ bạn nên “tua đi tua lại” vài lần trong vài hôm. Quá trình lặp đi lặp lại các từ trong bài hát sẽ là bước đầu tiên để bé ghi nhớ những lời mà bé yêu thích, từ đó, con sẽ rất nhanh hát theo.
Mình vừa chia sẻ một vài mẹo nhỏ giúp các mẹ bỉm sữa hỗ trợ con phát triển khả năng nói nhanh hơn. Hi vọng các mẹ sẽ chứng kiến khoảng khắc tuyệt vời khi con cất tiếng nói đầu tiên nhé!
Để lại một bình luận