Chào các mẹ bầu,
Uiiiii cuối cùng cũng có ngày mình chia sẻ được bài viết này trong niềm hân hoan, vui mừng khôn xiết khi nhận được kết quả khám thai ngoài sức mong đợi sau 3 tuần hai mẹ con mình cố gắng. Đây là một câu chuyện có thật, một minh chứng hùng hồn cho một truyền thuyết thần kì về một bí quyết dân gian dành cho các thai nhi thiếu cân hay xương đùi bị chuẩn đoán là ngắn dưới chuẩn 😉
Câu chuyện bắt đầu từ em bé có chiếc xương đùi ngắn và bị thiếu cân
Mọi thứ vẫn đang tốt đẹp cho cả mình và bé cho đến tuần 33 thai kì. Ở tuần 23, bé Quinn được chuẩn đoán là phát triển rất tốt với các chỉ tiêu đều vượt chuẩn. Đến kì khám thai 33 tuần, mình tăng lên 9kg tổng cộng so với thời điểm trước khi mang thai. Tuy nhiên, ba tháng cuối mình tăng lên rất ít chỉ 1kg mỗi tháng do hai chu kì đầu mình tăng đều bởi không ốm nghén hay ói mửa gì cả, ăn uống rất ngon miệng. Khi ấy cả bác sĩ siêu âm và bác sĩ khám đều kết luận là bé nhà mình bị thiếu kg đến 300gr và xương đùi khá ngắn chỉ có 57 so với chuẩn chung.
Bác sĩ nói nguyên nhân có thể là do chế độ dinh dưỡng cho thai nhi chưa đầy đủ hay do gene di truyền của gia đình. Nhưng gia đình mình không ai lùn cả, ba mẹ đều cao trung bình trở lên. Khi nhận được kết quả, mình muốn bật khóc trong phòng khám vì không biết phải làm sao với cái xương đùi ngắn ngủn và tình trạng thiếu cân của con trong khi hai mẹ con mình đang trong gia đoạn chuẩn bị “về đích” rồi. Bác sĩ phụ sản cũng khẳng định ở thời điểm hiện tại không thể can thiệp bằng bất cứ hình thức nào ngoài việc ăn uống và nghỉ ngơi.
Ngoài ra, mình còn bị phán là em bé sụt đầu xuống khá sớm, có thể do mình thường xuyên vận động, đứng lớp dạy yoga khá nhiều, tập luyện và đi bộ thường xuyên mỗi ngày.
Thế là ngày hôm ấy trở thành ngày tồi tệ nhất trong 9 tháng thai kỳ của mình. Em bé đã không lên tiếng thì thôi, một khi “người ấy” đã lên tiếng thì con mẹ dừng hết mọi việc lại. Mình nhanh chóng sắp xếp mọi công việc lại, kiếm giáo viên dạy thế tất cả các lớp. Mẹ Quinn (Quinn là em trai của Silk haha) dừng lại tất cả mọi công việc để lui về hậu trường, tập trung cho mỗi việc bồi bổ cho em.
Giải pháp thần kì cho ba tuần cuối thai kì
Rất may mắn là mình có các bạn học viên cực kỳ dễ thương, một số trong đó là các bà mẹ đã có kinh nghiệm mang thai. Khi tâm sự về nỗi lo thống khổ của mình, các mẹ khuyên mình nên ăn thử hột vịt lộn! Đây là một món ăn đại bổ lưu truyền trong dân gian có khả năng giúp thai nhi mau chóng tăng cân, tóc nhiều, xương phát triển mạnh…mà không gây mập mẹ nhiều.
Thế là cả buổi tối ngày hôm đó, mình tìm search tất cả các key words về hột vịt lộn ;))) Và vỡ oà ngộ ra, rất đông các mẹ bầu cũng chung bi kịch của mình với bé được chuẩn đoán xương đùi ngắn hay thiếu cân nặng dưới chuẩn. Và một số đã “thoát nạn” bằng trứng hột vịt lộn thần kì.
Các bạn có biết trước khi mang thai mình từng ăn chay nhưng sau đó vì mang thai mình phải ăn mặn trở lại. Hột vịt lộn là một trong những món đại kỵ khiến mình sợ hãi không dám đụng tới bao giờ. Giờ đây vì con, mình không được chần chừ, tiến hành xác thực truyền thuyết hột vịt lộn thần thánh. Trong khi đó, hoàn toàn trái ngược với mình, chồng mình lại là fan cuồng của hột vịt lộn, thích thú ăn lấy ăn để một lúc 2 trứng mà còn thòm thèm. Mình chỉ dám ăn trong nơi tối, không dám nhìn, cho vào miệng nhanh gọn lẹ và mỗi lần chỉ dám ăn một trứng. Mỗi tuần, mình hoàn thành chỉ tiêu 2-3 trứng hột vịt lộn.
Mình duy trì ăn đa dạng thực phẩm, tăng cường nghỉ ngơi và…ăn thêm hột vịt lộn như một bữa xế nhẹ như thế trong suốt 3 tuần thai kỳ. Và giờ đây, khi bé được 36 tuần 1 ngày, xương đùi tăng vọt từ 57 lên đến 61 và số kg đã đạt yêu cầu đến 2.870kg. Wowwww, mình mừng rỡ khôn xiết với thành quả cố gắng về đích 3 tuần vừa rồi của hai mẹ con. Bác sĩ còn ngỡ ngàng trước kết quả và hỏi mình bí kiếp là gì haha. So với chế độ ăn trước 33 tuần, thứ khác biệt duy nhất là sự xuất hiện của hột vịt lộn thần thánh ;))
Kinh nghiệm ăn hột vịt lộn đúng cách
- Khi ăn trứng vịt lộn, mẹ bầu không nên ăn cùng lúc các loại thực phẩm nhiều vitamin A như gan động vật hoặc uống bổ sung vitamin…
- Trứng vịt lộn có hàm lượng đạm khá cao nên không thích hợp ăn buổi tối vì có thể gây khó tiêu, đầy hơi.
- Đối với mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ, huyết áp cao hoặc các bệnh tim mạch, nên hạn chế không ăn trứng vịt lộn để tránh tình trạng tắc nghẽn mạch máu do lượng cholesterol cao.
- Trứng vịt lộn khi ăn nên được rửa sạch và nấu chín kỹ. Bạn có thể ăn dạng luộc hay xào me… thay đổi cho đỡ ngán.
- Trong trứng vịt lộn hàm lượng vitamin A cao bởi vậy ăn nhiều và ăn thường xuyên sẽ khiến lượng vitamin A dư thừa, có thể gây ra những vấn đề cho thai nhi, ví dụ dị dạng thai nhi. Vì vậy, bà bầu có thể ăn trứng vịt lộn trong suốt thai kỳ nhưng một tuần chỉ nên ăn nhiều nhất 2 quả. Ba tháng đầu, bạn chỉ nên ăn nhiều nhất 2 quả 1 tuần và không được ăn liền 2 quả cùng 1 lúc và không được kèm với rau răm bởi loại rau này có thể khiến tử cung bị co bóp mạnh, dễ dẫn đến sảy thai. Mẹ bầu 3 tháng cuối mới được phép ăn kèm gừng và rau răm kèm với trứng vịt lộn nhé.
Với bài viết chia sẻ kinh nghiệm thực tế này, mình hi vọng có thể làm xoa dịu nỗi lo lắng của tất cả các mẹ bầu cùng chung bi kịch của mình. Làm mẹ khó lắm phải đâu chuyện đùa. Con chưa sinh ra đã phải lo lắng, cố gắng mang nặng đẻ đau suốt 9 tháng thai kỳ. Khi con ra đời, chúng ta lại còn ti tỉ nghĩa vụ nuôi dưỡng con nên người.
Bởi bản chất của người mẹ là yêu thương và hi sinh. Bởi làm mẹ là sự nghiệp cả một đời người phải không các bạn. Chúc các bạn bầu mạnh khoẻ và thai nhi phát triển tốt nhá.
Mình đi ăn hột vịt lộn nữa đây haha.
Tiên Lê
* Bé của bạn lúc sinh có cdxđ là bao nhiêu vậy bạn?
Mẹ Silk
Bé nhà mình sinh thường nặng 3.4 kg và dài 50cm
Hường lê
Giúp em với ạ… Con em chiều dài xương đùi cũng thấp 30w2d mà chỉ đc 56mm
Mẹ Silk
Bí quyết mình chia sẻ trong bải viết. Bạn đọc nhé.