Chào các mẹ,
Mùa mưa bắt đầu đồng nghĩa với mùa bệnh kéo đến. Thời tiết đỏng đảnh ễnh ương lúc mưa lúc nắng thế này khiến cả trẻ nhỏ và người lớn đều dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như sổ mũi, ho, cảm, sốt…Là con đầu lòng, trước đây Silk rất ít khi bệnh trong khi Quinn con thứ thì lại dễ nhiễm cảm vặt dù cả hai đều được mình cho bú mẹ hoàn toàn và chăm sóc kĩ lưỡng.
Mình nhận ra một sự thật là đứa con thứ hai thường dễ bệnh hơn đứa thứ nhất vì bị lây nhiễm từ anh/ chị khi đã đi học. Bé đầu khi đi học vô tình sẽ dễ mang mầm bệnh về cho em mình từ môi trường bên ngoài hay bạn bè – thầy cô bị bệnh.
Nhưng mẹ đừng quá lo lắng! Vòng lây bệnh luẩn quẩn này tuy có chút “đau khổ” nhưng bù lại khi khỏi bệnh bé sẽ có sức đề kháng tốt hơn.
Trong bài chia sẻ kinh nghiệm trị cảm cúm, mình có nói về việc thường xuyên hút-rửa mũi cho bé sẽ rút ngắn thời gian nhiễm bệnh và giúp bé phục hồi nhanh hơn. Và hôm nay mẹ Silk sẽ chia sẻ chi tiết hơn về cách thức hút-rửa mũi cho trẻ sơ sinh từ kinh nghiệm tích luỹ sau những đợt cảm vừa rồi của Quinn nhỏ.
Khi nào nên hút rửa mũi cho trẻ sơ sinh?
Khi trẻ có biểu hiện viêm mũi, nghẹt tắc mũi nhiều, bị chảy nước mũi trong hay chảy mũi xanh chính là lúc ba mẹ mới cần hút -rửa mũi vệ sinh cho con.
Dùng nước gì để hút rửa mũi cho trẻ sơ sinh?
Mình thấy an toàn – tiện lợi – hợp túi tiền nhất đó chính là nước muối sinh lý. Thường mình mua một lốc gần cả 10 chai trữ sẵn trong hộp thuốc tại nhà. Khi cần vệ sinh mũi hay mắt cho bé là có ngay sử dụng.
Dùng dụng cụ gì để hút rửa mũi cho trẻ sơ sinh?
Trên thị trường có bán rất nhiều loại hút rửa mũi cho trẻ sơ sinh với nhiêù thương hiệu khác nhau. Tuy nhiên, mẹ Silk thấy hiệu bộ hút mũi Ku Ku của Đài Loan khá tốt – chất lượng ổn – gía thành phải chăng – mẫu mã đơn gỉan dễ thương.
Có một điều mẹ Silk cần lưu ý là nếu bé bị sổ mũi nhiều, chảy nước mũi nhiều thì hút không hết được và cũng không hiệu quả bằng rửa mũi bạn nhé.
Hút mũi trẻ sơ sinh như thế nào?
Khi hút mũi, cha mẹ nên kiểm tra mũi con có thông không. Nếu mũi con đã thông rồi, các mẹ nhỏ nước muối sinh lý vào một bên mũi và đặt dụng cụ hút mũi vào bên mũi còn lại.
Ví dụ, mẹ nhỏ nước mũi bên phải thì phải đặt dụng cụ hút mũi bên trái. Khi hút từ bên phải sang bên trái thì dịch nước muối sẽ chảy từ phía trước mũi ra phía sau mũi bên trái, tiếp đó sang phía sau mũi bên bên phải và ra vùng hút mũi. Với cách hút mũi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ này, các mẹ đã rửa được 2 mũi sạch sẽ cho con, dịch mũi của con cũng hết.
Rửa mũi trẻ sơ sinh như thế nào?
Cách thức rửa mũi cho trẻ sơ sinh vô cùng đơn giản. Mình thường đặt bé nằm nghiêng với vài khăn sữa lót dưới má. Sử dụng trung bình 3 chai nước muối sinh lý cho mỗi bên mũi, mình để miệng chai nước muối ngay cạnh lỗ mũi, xịt mạnh liên tục từ bên này sang bên kia thì thấy nhờn, nước mũi chảy ra rất nhiều. Làm điều tương tự với bên còn lại.
Khi rửa mũi, bé thường la khóc rất nhiều nên bạn cần một người hỗ trợ giữ tay chân bé nằm yên để dễ rửa mũi hơn. Việc bé khóc to sẽ giúp đờm được tống ra khỏi cổ họng luôn khi rửa mũi. Một công đôi việc mẹ ạ. Nếu kiên trì thực hiện ngày 2-3 lần thì thường sau 3-5 ngày là con khỏi bệnh mẹ nhé. Mình không dùng xi lanh vì sợ áp lực mạnh quá gây tổn thương phần bên trong mũi của con.
Mẹ Silk vừa chia sẻ tất tần tật về kinh nghiệm hút rửa mũi cho trẻ sơ sinh. Chúc mẹ thành công và các bé mau khoẻ nhé.
Để lại một bình luận