Không biết các bạn đã từng trải qua cảnh bé nhà mình quấy khóc, vung tay vung chân, nói mớ khi ở lứa tuổi từ 2-3 trong giấc ngủ đêm chưa?! Chứ đây đã từng là “vấn nạn” cực kỳ đau đầu của gia đình mình khi Silk lên ba tuổi.
Có một giai đoạn 2 tuần liền, Silk thường xuyên khóc lóc, nói mớ, vùng vẫy tay chân khoảng sau 12g đêm – 1g sáng. Do được tập tự ngủ từ nhỏ, trước đây Silk rất dễ dàng tự đưa mình vào giấc và ngủ xuyên đêm đến sáng. Đôi lúc, cô ấy chỉ trở mình, khóc nhẹ một xíu rồi thôi. Bỗng dưng khi lên ba, Silk lại rơi vào trường hợp kỳ lạ như vậy.
Điều này khiến mình cực kỳ lo lắng đến mức phải lên mạng lùng sục tìm hiểu nguyên nhân, tham khảo các trường hợp tương tự từ các mẹ bỉm sữa và dẫn Silk đi kiểm tra khoa tâm lý ở bệnh viện Nhi Đồng.
Nhờ đó, mình nhận ra rằng khá nhiều bà mẹ bỉm sữa lâm vào cảnh oái ăm tương tự, lo lắng và không biết có gì nghiêm trọng xảy ra với bé khi ngủ không?
Hiện tại, tình trạng rối loạn giấc ngủ này ở Silk đã giảm dần và khả quan hơn rất nhiều. Gia đình đều rất mừng vì con an giấc mà cả nhà lại bớt lo lắng. Hiểu được nỗi boăn khoăn chung của nhiều bạn, mẹ Silk muốn chia sẻ một ít kinh nghiệm về việc bé 2-3 tuổi quấy khóc khi ngủ đêm.
Biểu hiện của chứng rối loạn giấc ngủ
Bé biểu hiện có cơn ngừng thở ngắn kèm ngáy khi ngủ, co giật cơ khi ngủ, các cử động chân tay có tính chu kỳ, mộng du, mất ngủ, khóc lóc hoảng sợ ban đêm… trong đó mộng du hay hoảng sợ ban đêm là tình trạng gặp khá phổ biến.
Nguyên nhân của chứng rối loạn giấc ngủ
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ mắc tình trạng này, có thể do rối loạn tiêu hóa, viêm mũi họng, thay đổi môi trường sống, ban ngày hoặc trước lúc đi ngủ bé đùa nghịch quá độ, bị dọa nạt, thần kinh căng thẳng…
Một số bé hay quấy khóc đêm là do bị ngạt mũi, khô mũi bởi nằm điều hòa. Sau khi được hướng dẫn làm thông thoáng mũi thì bé ngủ ngoan lại. Nguyên nhân khác nữa là do bé thiếu một số vi chất dinh dưỡng, hay do có vấn đề về tâm lý như lo âu, hoảng sợ…
Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp rối loạn giấc ngủ là không tìm được nguyên nhân, hay gặp nhất là ở trẻ dưới 1 tuổi. Nếu cần bạn có thể cho trẻ làm một số xét nghiệm xác định một số yếu tố vi lượng như canxi, magie, kẽm… Nếu vẫn chưa xác định được, có thể cho trẻ làm điện não đồ, siêu âm thóp…
Khi tất cả kết quả bình thường, chuyên gia có thể cho một chút thuốc để điều chỉnh lại giấc ngủ của bé. Còn nếu điện não đồ bất thường thì có thể phải điều trị lâu dài bằng thuốc điều trị động kinh.
Làm gì khi bé rối loạn giấc ngủ
1. Tạo điều kiện ngủ tốt
Để bé có thói quen ngủ tốt và ngủ ngon hơn, ba mẹ nên thực hiện những hoạt động sau :
- Cho bé đi tắm nước ấm trước khi đi ngủ.
- Đảm bảo giường, chăn gối ấm áp và thoải mái.
- Cho bé một con thú nhồi bông nào đó khi đi ngủ.
- Đọc truyện cho con nghe trước khi đi ngủ.
- Đặt một chiếc bóng đèn ngủ trong phòng.
- Mở nhạc sóng não hoặc tiếng ồn trắng
- Tránh cho bé chơi điện tử hoặc xem ti vi trước khi đi ngủ.
- Tránh cho bé bị kích động quá mức trước giờ ngủ
2. Xoa dịu bé
Nếu trẻ không tỉnh dậy mà chỉ thút thít, chảy nước mắt thì bố mẹ không nên đánh thức con. Hãy nằm bên cạnh bé một lúc, nhẹ nhàng xoa nhẹ lưng, để bé tự quay trở lại vào giấc ngủ.
Bạn nên hỏi thăm bé về tình hình ở trường học, liệu có điều gì khiến con căng thẳng hay lo lắng, tâm sự với con nhiều hơn khi thức dậy
3. Kiểm tra thần kinh và tâm sinh lý
Bước cuối cùng khi tình trạng nặng hơn là bạn nên đưa con đến bệnh viên chuyên khoa để kiểm tra tâm sinh lý cũng như hệ thần kinh nhé.
Chia sẻ trường hợp Silk bị rối loạn giấc ngủ
Khi Silk được 2.5 tuổi, gia đình mình có sự thay đổi về nơi ở do xây cất nhà mới ra riêng. Do đó, Silk đổi cả trường học. Sau gần 2 tháng hòa nhập hoàn toàn với trường lớp mới, mình quan sát thấy con ăn ngủ tốt, chơi đùa vui vẻ cả ở nhà và trường, không hề có biểu hiện bất bình thường gì.
Tuy nhiên, bỗng có một thời gian 2 tuần liên tục, Silk ngủ không thẳng giấc, thường xuyên trở mình, khóc to, la hét, nói mớ lớn từ 12g – 2g sáng. Đỉnh cao là có đêm cứ 30 phút là con khóc một lần. Bình thường, Silk ngủ riêng một mình trong phòng. Khi con trở mình, vợ chồng mình sẽ qua dỗ dành trấn an, cần thiết sẽ ngủ lại cùng Silk đến sáng. Nhưng khoảng thời gian căng thẳng ấy, mình luôn túc trực ngủ cạnh con và quan sát phản ứng kỳ lạ này.
Mình cực kỳ lo lắng, tìm hiểu và nghiên cứu thì phát hiện ra có vô số trường hợp tương tự như Silk thậm chí là nghiêm trọng hơn xảy ra ở trẻ với nhiều lứa tuổi khác nhau. Sau đó, mình gọi hỏi khắp nơi và biết ở bệnh viện Nhi Đồng có khoa “Tâm lý” dành cho trẻ em. Mỗi ngày, khoa này chỉ tiếp nhận 10 em và đã hoàn toàn kín lịch hẹn trong hai tháng tiếp theo. Thật khủng khiếp! Chứng tỏ hiện nay khá nhiều bé nhỏ gặp phải vấn đề tâm lý.
Mình phải kiên nhẫn đợi chờ đến ngày Silk được khám. Trong thời gian đó, mình tích cực quan sát, tạo không khí vui vẻ, tránh la mắng con, không cho Silk coi tivi sau khi học về, trước khi ngủ mình luôn luôn đọc truyện con thích và tránh để Silk vui đùa kích động quá mức. Một bí quyết mới nữa là mình mở nhạc sóng não êm dịu suốt đêm cho con ngủ để làm dịu hệ thần kinh. Kỹ tính, mình dùng loa ngoài bật âm lượng nhỏ chứ không để điện thoại gần con.
Chỉ sau 2 tuần, Silk có biểu hiện khả quan, ít khóc lóc và la hét, thường chỉ 1-2 lần nhẹ trong đêm. Mình không biết có phải nhờ nhạc sóng não và tiếng ồn trắng giúp con trấn an khi ngủ có tác dụng tích cực hay không. Như mình nói, rối loạn giấc ngủ rất khó tìm ra nguyên nhân.
Mình cứ duy trì nếp sinh hoạt khi ngủ như thế cho đến ngày Silk đi khám tâm lý. Từ khoa tâm lý đến khoa thần kinh, bác sĩ đều chuẩn đoán Silk bình thường thậm chí rất lạnh lợi, hoạt bát. Bác sĩ chỉ kê cho Silk một chai thuốc bổ giúp ngủ ngon hơn (không phải là thuốc gây ngủ nhé).
Hiện tại, thi thoảng Silk cũng có khóc thút thít một chút hay nói mớ khi ngủ nhưng không hề nghiêm trọng như khoảng thời gian trước đó.
Trong trường hợp, ban ngày con bạn vẫn vui vẻ, ăn ngủ tốt, không lờ đờ, thụ động hay có biểu hiện gì bất bình thường thì có lẽ do con vui chơi kích động quá mức hoặc đơn giản thiếu một số vi chất nên đêm mới quấy khóc.
Nếu bé của bạn rơi vào trường hợp tương tự Silk nhà mình, thì bạn thử sử dụng những cách mình thực hiện tại nhà nêu trên để xem tình trạng rối loạn này có thuyên giảm không.
Nếu không giảm mà thậm chí kéo dài và nghiêm trọng hơn thì bạn nên đưa bé đến bệnh viện Nhi Đồng hoặc bệnh viên nhi lớn để kiểm tra tâm lý và hệ thần kinh của trẻ nhé.
Đó là một số kinh nghiệm mình có được về việc rối loạn giấc ngủ của Silk. Nuôi con là một chặng đường dài nuôi dưỡng giáo dục không mệt mỏi của cha mẹ. Chúc bé và gia đình bạn có những giấc ngủ đêm an lành và ngon giấc nhé.
Mẹ Silk
Để lại một bình luận