Mình từng có thời gian đau đầu về việc đi vệ sinh của Silk khi cô ấy đã gần 2 tuổi mà chưa thể bỏ tã. Đây cũng là điều boăn khoăn của nhiều mẹ bỉm sữa chia sẻ với Super Silk.
Kinh nghiệm dân gian nói rằng bạn phải tập cho bé nghe xi tè từ một tháng tuôỉ thì mới bỏ tã sớm được. Nhưng theo khoa học nghiên cứu thì bàng quang của trẻ dưới 1 tuổi vẫn chưa hoàn thiện nên sự luyện xi này không có ý nghĩa gì với bé. 18 tháng tuổi là thời điểm thích hợp để các bé tập đi vệ sinh mà không cần tã.
Có thể nói trong những việc mình tập cho con như tập ăn dặm, tự ngủ, tập bơi, tập bỏ ti giả thì tập bỏ tã là cực nhất, lâu nhất và dọn dẹp mệt nhất. Mình tiến hành tập bỏ tã ngày cho Silk khi Silk được 20 tháng tuổi. Nhân bài viết này, mẹ Silk muốn chia sẻ với các mẹ bỉm sữa một số kinh nghiệm bỏ tã ngày cho trẻ nhỏ nhé.
Chọn mua bô
Nghỉ chơi tã có nghĩa bé phải làm bạn với bô. Do đó, việc đầu tiên là các mẹ phải đi chọn một chiếc bô phù hợp cho bé ngồi. Trên thị trường có rất nhiều loại bô khác nhau với vô vàn màu sắc, hình thù dễ thương và chất liệu đa dạng. Tuy nhiên theo mình thấy chỉ có hai loại chính là ghế bô riêng cho trẻ em và nắp bô ngồi trên bồn cầu người lớn.
Ghế bô
Dưới đây là những tiện lợi của việc sử dụng ghế bô riêng cho trẻ:
- Nhỏ và thấp, bé có thể dễ dàng ngồi lên hoặc bước xuống.
- Nhiều màu sắc và kiểu dáng kích thước bé hơn là các loại toilet truyền thống.
- Ghế bô có thể dịch chuyển được, bé không phải luôn luôn phải sử dụng chúng trong phòng tắm.
Bên cạnh đó cũng có những bất tiện như
- Bạn phải đổ chất thải và vệ sinh sạch sẽ sau mỗi lần dùng.
- Bé có thể muốn ngồi bô ngay ở khu vực chơi đùa của bé, vì vậy chỗ này có thể bị bẩn và cũng không có chỗ để rửa tay thuận tiện.
- Cuối cùng thì dù sao bạn cũng phải mua một miếng lót bồn cầu người lớn khi bé lớn hơn.
Miếng ngồi gắn bồn cầu
Nếu bé thích bồn cầu lớn và muốn đi vệ sinh giống bố mẹ, bạn có thể chọn một miếng ngồi đặt trên bồn cầu. Bạn nên chắc chắn miếng ngồi được gắn một cách an toàn và không lắc lư; nếu không, bé có thể cảm thấy không thoải mái khi ngồi.
Nếu bạn chọn miếng ngồi đặt trên bồn cầu, nhớ mua kèm một cái đôn đặt phía dưới bồn cầu. Vật này sẽ cho phép bé ngồi vững khi tập trung rặn. Và bé cũng ít cần trợ giúp hơn lúc bước lên hoặc bước xuống hoặc trèo lên rửa tay tại bồn rửa tay.
Ưu điểm: Dễ dàng chuyển đổi sang loại bồn cầu cho người lớn hơn và thời gian sử dụng lâu hơn
Khuyết điểm: Phải có người hỗ trợ giúp bé ngồi khi đi vệ sinh, có thể tìm ẩn nguy cơ như té ngã trong nhà tắm.
Và cuối cùng mình quyết định mua cho Silk một chiếc ghế bô nhựa màu hồng hiệu Summer của Mỹ. Bởi mình muốn Silk ngồi thoải mái dễ dàng và hạn chế té ngã. Bô được thiết kế làm hai phần, phần ghế tựa và phần đựng chất thải có thể dễ dàng tháo rời vệ sinh.
Nào cùng bắt tay bỏ tã ngày cho bé nhá!
Tập bỏ tã ngày
Việc đầu tiên các bạn phải chấp nhận khi tập bỏ tã cho bé là bé sẽ tè dầm trong một khoảng thời gian rất lâu. Điều quan trọng là mỗi lần bé tè/ị’ trong quần, bạn không được la mắng mà phải nhắc bé nhớ: “Con tè rồi nè! Lần sau muốn tè/bee nhớ gọi mẹ nhé”.
Khó khăn hơn là trong khoảng thời gian bỏ tã bạn phải cho con ngồi bô 20-30 phút một lần. Do đó, bạn nên dẹp bỏ bớt công việc sang một bên để không quên cho con ngồi bô khi đến lúc. Mẹo hay của mình là đặt chế độ nhắc nhở trên điện thoại 30 phút một lần cho bé ngồi bô. Đặc biệt là sau khi bé ăn hoặc uống nước, 15 phút sau bạn đã nên dắt bé đi ngồi bô.
Thời gian đầu, Silk hứng thú ngồi bô lắm vì xem đây là trò chơi mới. Cô ấy săm soi cái bô, hào hứng ngồi xuống đứng lên, sau đó bước ra khỏi bô …và không tè ị gì cả. Khoảng vài phút sau thì Silk lại tè dầm trong quần. Thời gian đầu, mình phải rất kiên nhẫn tiếp tục dắt Silk ngồi bô đều đặn, đồng thời không la mắng khi con đi bậy ra quần. Giặt giũ và lau nhà điên cuồng là hệ quả của nó.
Nhưng trời không phụ lòng người. Mình đã bắt trúng một vài lần cô ấy…thật sự muốn đi vệ sinh. Lần đầu tiên thấy người khác đi vệ sinh mà mình mừng rơi nước mắt đến mức vỗ tay bộp bộp khen ngợi :))) Silk thích lắm khi được khen giỏi nên phần nào hiểu được: “Mình tè vào bô, mẹ sẽ thương vì mình ngoan mình giỏi”.
Mình và trường phối hợp chặt chẽ với nhau như thế gần suốt 2 tháng. Ngày trong tuần thì Silk được bỏ tã ở trường. Còn ngày cuối tuần thì Silk được bỏ tã ở nhà. Kết quả mỹ mãn Silk đã có thói quen khi muốn đi vệ sinh nói: Mẹ ơi, bee hay mẹ ơi boo”. Thậm chí cô ấy còn kéo bô lại tự ngồi, “giải quyết” xong còn tự vỗ tay khen mình nữa chứ :))
Lưu ý với các bạn một chia sẻ quan trong, đối với các bé đã đi nhà trẻ, các bạn không nên phó mặc công cuộc bỏ tã cho trường mà phải kết hợp tiếp tục bỏ tã cho bé khi ở nhà. Khoảng một tháng đầu, do mình quá bận rộn công việc, không có thời gian cho Silk ngồi bô trong khi trường vẫn tập đều đặn mỗi ngày thì cùng không thể thành công được. Chịu khó tí bạn nhé.
Hiện tại, mặc dù đã kiểm soát được việc đi vệ sinh nhưng đôi khi do quá ham chơi, Silk vẫn tè bậy trong quần. Không sao! Dơ thì dọn thôi mà. Quan trọng tập được phản xạ ngồi bô khi có nhu cầu vệ sinh.
Hiện tại mình vẫn chưa bỏ được tã đêm cho SIlk. Nếu có mẹ bỉm sữa nào thành công đừng quên chia sẻ với mẹ Silk nhé. Khi nào mình bõ tã đêm cho Silk thành công sẽ chia sẻ ngay cùng các bạn nhé.
Chúc các bạn thành công
Phiphi
Đọc xong cảm thấy có thêm động lực để tập cho cool 22m nha mình. Thanks mẹ silk!
Mẹ Silk
Cảm ơn bạn nè 😉 Chúc bạn và bé khoẻ mạnh.