Đa phần khách đến chơi nhà Silk đều quá bất ngờ khi thấy cô bé chưa đầy ba tuổi ngủ trên giường riêng trong căn phòng của riêng mình. Thật ra Silk đã ngủ riêng như thế từ lúc hai tuổi.
Ngủ riêng nghe có vẻ là một việc chả có gì lớn lao hay quan trọng. Tuy nhiên, đó lại là điều mà vô số ba mẹ mơ ước. Bé ngủ riêng đồng nghĩa với việc bé đánh dấu sự trưởng thành và tự lập của mình, quan trọng hơn là ba mẹ có khoảng thời gian riêng tư của vợ chồng.
Nếu ai vẫn còn đang ngủ chung với bé, chắc hẳn sẽ hiểu được tình cảnh bị chen lấn, bị đạp đầu lúc nửa đêm, hay phải lén lút dè chừng khi thể hiện tình cảm trong đêm, thon thót giật mình sợ bé nhìn thấy những cảnh gì “nhạy cảm” của ba mẹ.
Cho trẻ ngủ riêng khi đến lúc là giải pháp vàng đem lại sự thoải mái, chủ động và tự lập cho cả hai phía ba mẹ và bé. Thấu hiểu tình cảnh của các bạn, mẹ Silk muốn chia sẻ một vài kinh nghiệm giúp bé làm quen với việc ngủ riêng.
Thời điểm
Thật ra không có con số chính xác nào quy định cho việc bé ra riêng. Ở các nước phương Tây, lúc vừa mới sinh, bé đã nằm nôi riêng trong căn phòng riêng tách biệt với ba mẹ. Nhưng với văn hóa lâu đời của Châu Á chúng ta, mẹ được xem là thương con khi phải nằm cạnh con, ôm con vào lòng hay bồng bế.
Việc này có cả mặt lợi và hại. Những biểu hiện tình cảm này càng nhiều thì trẻ càng có tâm lý vững vàng, an tâm, cảm nhận tình thương của ba mẹ rõ ràng hơn. Nhưng đồng thời, bé cũng có thói quen phải ngủ chung với ba mẹ hoặc người thân thì mới an giấc. Nhiều bé vẫn giữ thói quen ngủ chung này đến lớn.
Theo khoa học chứng minh, sau 3 tuổi, trẻ có thể sẵn sàng cho những hoạt động xã hội (học mẫu giáo) và tự lập theo độ tuổi (trong đó có tự ngủ một mình). Do đó, trẻ 3 tuổi đã có thể tách khỏi bố mẹ để ngủ một mình. Và quan trọng hơn tất cả, thời điểm cho bé ngủ riêng là khi cả bạn và bé đều cần và sẵn sàng cho việc phân tách.
Lợi ích
Một số nghiên cứu khoa học cho thấy gần 2/3 những ca đột tử ở trẻ sơ sinh thường xảy ra khi trẻ ngủ chung với ba mẹ với nguy cơ bị ba mẹ đè lên gây ngạt thở.
Lợi ích đầu tiên khi cho bé ngủ riêng là giúp cả ba mẹ và bé có được giấc ngủ sâu hơn. Thêm vào đó, điều này rất có lợi cho sự phát triển của bé, giúp trẻ hình thành tính cách tự lập ngay từ khi còn nhỏ, không phụ thuộc và dựa dẫm vào bố mẹ. Về phía ba mẹ, chúng ta sẽ có đời sống riêng tư lành mạnh hơn, duy trì hạnh phúc gia đình.
Các bước chuẩn bị
Bước 1: Nằm nôi riêng chung phòng
Cách tốt nhất để giúp bé làm quen với việc tự lập từ nhỏ là luyện bé tự ngủ từ sớm. Thời gian thích hợp để bé bắt đầu tập tự ngủ là 4-6 tuần tuổi. Bởi càng lớn bé càng nhận thức nhiều hơn, sẽ khó thay đổi thói quen ngủ chung lâu dài trước đó. Khởi đầu bé có thể ngủ trong nôi riêng trong phòng ba mẹ hoặc một góc nhỏ riêng cạnh giường ba mẹ.
Bước 2: Nằm giường riêng khác phòng
Sau khi bé đã quen với việc tự đưa mình vào giấc ngủ mà không cần nhiều sự hỗ trợ thì bạn có thể cho bé ra ngủ ở giường riêng trong phòng riêng tách biệt với ba mẹ. Nhưng bạn cần giải thích rõ với bé về lợi ích của việc có góc riêng hoặc phòng riêng (được trang trí phòng hoặc chỗ ngủ theo ý thích, tự chọn chăn mền, đèn ngủ…). Việc trao đổi và thảo luận cùng bé sẽ giúp bé tự đưa ra ý kiến, giúp ba mẹ nắm bắt tâm lý bé đã sẵn sàng chưa.
Ba tuổi là lúc bé đã có khả năng nhận biết giới tính. Do vậy, việc cho bé nằm chung có thể tác động tới tâm lý tình cảm của bé khi cha mẹ có hành động thân mật. Bên cạnh đó, bé sẽ thiếu sự độc lập khi bước vào độ tuổi đi học. Lưu ý nếu bạn để bé ngủ giường riêng nhưng vẫn cùng phòng thì kết quả cũng không khác biệt gì đâu nhé.
Mỗi giai đoạn chuyển tiếp không có mốc thời gian nào cố định. Thời gian tập ngủ riêng dài hay ngắn tùy thuộc vào mức độ kiên quyết của bạn cũng như sức khỏe và tâm sinh lý của bé.
Hiện tại Silk 2.5 tuổi và đã ngủ phòng riêng. Buổi tối, sau khi được tắm rửa sạch sẽ, uống sữa no đủ và đọc truyện cùng mẹ, Silk nằm ngay ngắn trên giường, đắp chăn ấm áp và dễ dàng tự chìm vào giấc ngủ. Đôi khi nửa đêm Silk trở mình và bật khóc thì ba mẹ chỉ cần qua phòng vào vỗ đít nhẹ nhàng là nàng sẽ vào giấc ngủ lại thôi.
Từ lúc con ngủ riêng, vợ chồng mình mới có đời sống cá nhân rõ ràng. Vợ chồng có thể tự do trò chuyện, nằm xem phim hoặc đọc sách thoải mái trong phòng ngủ. Việc duy trì thói quen đôi lứa trước khi có con là rất quan trọng để duy trì và thắt chặt thêm tình cảm gia đình.
Chúc các bạn thành công trong việc tập con ngủ độc lập nhé 😉
Để lại một bình luận