Chắc hẳn bà mẹ nào có con đến tuổi ăn dặm đều nghiên cứu tìm tòi phương pháp ăn dặm phù hợp với con mình. Bởi ăn ngủ luôn là vấn nạn đau đầu của mọi mẹ bỉm sữa. Vì vậy, mình muốn chia sẻ một ít kinh nghiệm thực hành ăn dặm thành công trên công chúa nhà mình.
Trong phần một, mình liệt kê và mô tả chung về những phương pháp ăn dặm phổ biến hiện nay trước nhé. Những phần sau mình sẽ đi vào chi tiết phương pháp ăn dặm mà Silk lựa chọn 🙂
I. Ăn dặm là gì?
Trước hết, mình muốn nhấn mạnh định nghĩa ăn dặm ở đây là giai đoạn cho bé làm quen với thức ăn khác ngoài sữa. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa bé sẽ ăn thức ăn ngoài hoàn toàn từ lúc này! Sữa vẫn luôn luôn là nguồn dinh dưỡng chính của bé dưới 1 tuổi. Nếu mẹ nào nuôi con được hoàn toàn bằng sữa mẹ thì đó là món quà tuyệt vời nhất dành cho con.
II. Thời điểm bắt đầu tập ăn dặm cho bé
Mình chỉ bắt đầu cho Silk tập tành ăn dặm khi được 6.5 tháng vì mình hiểu trẻ sơ sinh trong sáu tháng đầu chỉ cần dinh dưỡng từ sữa mà thôi. Ngoài ăn dặm, Silk vẫn bú mẹ hoàn toàn đến tận thời điểm bây giờ. Các bạn có thể tham khảo thêm những cách duy trì nguồn sữa mẹ mình từng chia sẻ ở bài viết trước.
III. Các phương pháp ăn dặm phổ biến
1. Ăn dặm truyền thống
Đối với thế hệ 8x trở về trước như mình, ai cũng từng được bà và mẹ cho ăn dặm theo kiểu truyền thống. Mỗi bé đều được ăn một tô cháo cực nát với rau củ xay nát nhừ hầm bà lằng trộn chung. Thậm chí một số người còn nêm cả mắm muối đường vào thức ăn của trẻ dưới 1 tuổi.
Ưu điểm
- Quen thuộc với truyền thống của người Việt Nam
Khuyết điểm
- Những gì bé cảm nhận được là một hương vị chung chung, một màu sắc nhờ nhờ, không biết rõ mình đang ăn món gì
- Việc cho bé ăn thực phẩm quá nhuyễn khiến bé mất kĩ năng nhai bằng “lợi”, không tiết ra được dịch vị, chỉ vô thức nuốt chất lỏng
- Khả năng bé sẽ bị biếng ăn rất cao
- Thấy bé biếng ăn, mẹ lại cho bé ăn thêm men tiêu hoá mà vẫn cho ăn đồ quá loãng tiếp tục. Cái vòng luẩn quẩn không bao giờ chấm dứt!
- Việc nêm nếm gia vị cho bé dưới một tuổi gây quá tải cho thận của bé
2. Baby lead weaning
Với Baby lead weaning “BLW” (hay còn gọi là bé ăn dặm chỉ huy), bé sẽ là người quyết định mình muốn ăn gì, ăn như thế nào và ăn bao nhiêu. Mẹ chỉ cần chuẩn bị một số vật dụng cần thiết hỗ trợ bé tự ăn mà thôi. Còn công việc ăn sẽ do bé quyết định.
Ưu điểm
- BLW giúp bé thực tập được kĩ năng bóc, nhai và nuốt bởi bé sẽ bắt đầu ngay với thức ăn thô
- Theo như chứng minh khoa học, bé ăn dặm theo phương pháp BLW sẽ biết tự xúc thức ăn khi được một tuổi
- BLW giúp mẹ nhẹ nhàng trong việc chuẩn bị thức ăn vì chỉ cần hấp, luộc rau củ quả, cắt dạng thanh to là xong đối với giai đoạn đầu làm quen
- Bé còn luyện được tính tự lập, biết mình thích ăn gì, nhận biết được mùi vị và màu sắc từng loại thức ăn
- Bé hấp thụ đường và muối từ chính bản thân củ quả tươi, cực kì tốt cho hệ tiêu hoá của bé
Khuyết điểm
- Mẹ thường phải đấu tranh với dư luận bởi BLW còn quá mới với người Việt Nam
- Phải có người giám sát bé trong lúc ăn BLW và biết cách hỗ trợ khi bé bị nôn oẹ hóc
- Phải biết cách chế biến thức ăn đúng cách (cứng quá bé sẽ không nhai được, mềm quá bé sẽ bóp nát thức ăn trước khi đưa vào miệng)
- Bé phải có một số biểu hiện sẵn sàng cho BLW như ngồi vững thẳng lưng trên ghế ăn/ ít sự hỗ trợ để tự ngồi, thích cầm nắm và đưa mọi vật vào miệng…
Mẹo nhỏ
Mẹ có thể tham khảo chi tiết về BLW qua sách “Ăn dặm không phải là cuộc chiến”. Sách nêu rõ các dấu hiệu khi nào bé sẵn sàng BLW, cách chế biến thức ăn thô như thế nào là đúng, cách hỗ trợ khi bị nôn oẹ hóc, những biểu hiện thường gặp khi tập BLW cho bé và vô vàn những thực đơn thú vị gợi ý mẹ cách chế biến thức ăn phong phú mỗi ngày.
3. Ăn dặm kiểu Nhật
Khác với BLW, phương pháp ăn dặm kiểu Nhật (“ADKN”) giúp bé làm quen thức ăn từ lỏng đến đặc. Thức ăn đầu tiên khi bé ADKN là cháo loãng. Sau đó sẽ có thêm củ quả và trái cây nghiền. Lưu ý nhỏ củ quả nghiền ở đây phải được nghiền bằng tay và không được quá nát, phải có một độ thô nhất định để bé nhai.
Khi mới tập ăn bé sẽ ăn từng loại thức ăn riêng biệt đựng trong từng chén một chứ không trộn hỗn tạp như ăn dặm truyền thống. Đến khi bé quen nhiều loại thực phẩm rồi mẹ có thể nấu kết hợp nhiều thực phẩm với nhau.
Ưu điểm
- Trẻ cũng sẽ trải nghiệm từng hương vị thức ăn rõ ràng như BLW
- Quen thuộc với người Việt Nam hơn vì bé cũng bắt đầu ăn từ cháo loãng như ăn dặm truyền thống
- Bé tập ăn dặm từ loãng đến thô và cũng sớm ăn được thức ăn thô hoàn toàn như BLW
Khuyết điểm
- Mẹ mất nhiều thời gian chuẩn bị thức ăn do phải nghiền, xay bằng tay thức ăn
4. BLW kết hợp với ăn dặm truyền thống
Phương pháp này giúp mẹ vừa thoả hiệp với dư luận, gia đình vừa giúp bé được quyền ăn theo cách của riêng mình. Nếu trong ngày bé có hai bữa ăn dặm thì một bữa đút truyền thống, một bữa ăn theo BLW. Các mẹ nên tránh tình cảnh vừa cho bé ăn đút vừa cho bé ăn bóc trong cùng một bữa nhé. Điều này khiến bé bị bối rối không biết nên ăn theo cách nào.
Vậy là xong phần tổng quan các kiểu ăn dặm phổ biến hiện nay cho bé yêu nhe. Trong phần hai, mình sẽ chia sẽ chi tiết hơn về phương pháp ăn dặm mình áp dụng cho Silk nhé. Giờ mình đi ôm “cục vàng” của mình đi ngủ đây. Chúc cả nhà ngủ ngon khò khò 😉
Để lại một bình luận