Mình chứng kiến rất nhiều tình cảnh ông bà cha mẹ thay phiên nhau bồng bế, mua vui cho bé cả ngày vì cứ hễ bỏ xuống là khóc, để một mình là gào lên, luôn luôn sẵn sàng bám ba mẹ hay bất cứ người thân nào khi vừa nhìn thấy. Cũng khó trách phải không các bạn! Trẻ con mũm mĩm, tròn vo, thơm phức thế kia ai lại không ham bồng, tham bế để con tha hồ nũng nịu, nhõng nhẽo cả ngày.
Nhưng bạn có biết rằng cách nuông chiều đó không phải thương con mà đang hại con không. Dần dà, bé sẽ hình thành thói quen xấu xí:” À, tui chỉ cần la lên một tiếng, chảy vài giọt nước mắt là không ai dám không bế. Tui là sếp trong nhà mà!”.
Quan trọng hơn, khi có một đứa con, bạn sẽ chưa thấy hết được tầm quan trọng của việc con tự chơi độc lập. Rồi khi có tới 2 hoặc 3 đứa, công việc không chỉ gấp đôi mà gấp bốn gấp năm lần. Tin mình đi, nếu không rèn luyện nếp tự ngủ, tự ăn, tự chơi từ sớm thì đó sẽ là một thiệt thòi lớn cho con, cho mẹ và cho cả gia đình.
Sau khi được luyện nếp sinh hoạt độc lập EASY3 thành công, Quinn nhà mình đã có khả năng tự trấn an và tự nằm chơi từ lúc 8 tuần. Cho đến giờ khi được 11 tháng, mỗi ngày Quinn đều có những khung giờ tự chơi ngoan thật ngoan trong “chuồng” với sự quan sát từ xa của mẹ.
Do đó, mẹ Silk muốn chia sẻ một số kinh nghiệm hữu ích trong việc tập con nếp chơi độc lập vừa giúp trẻ phát triển sáng tạo vừa giúp mẹ nuôi con nhàn hạ hơn.
Tại sao trẻ em cần có một khoảng thời gian chơi một mình trong ngày?
Các bạn đừng nghĩ trẻ chơi một mình là tội nghiệp, là độc ác, là ba mẹ không thương con. Đã là ba mẹ, có ai không yêu thương con mình. Nhưng việc tập bé chơi một mình đem lại rất nhiều lợi ích to lớn hơn những gì bạn trông thấy.
- Phát triển kĩ năng độc lập
- Phát triển trí thông minh và khả năng tập trung
- Phát triển trí tưởng tượng và sự sáng tạo
- Thích nghi với môi trường mới tốt hơn
- Ba mẹ có thêm thời gian cho bản thân
Sự khác biệt của trẻ tự chơi độc lập là gì?!
- Chơi một mình mà không có người lớn làm xao lãng sẽ khiến trẻ phải động não để suy nghĩ ra trò gì “làm vui” bản thân. Quan trọng hơn khi tự chơi, nếu gặp khó khăn, trẻ sẽ chủ động tìm cách tự mình giải quyết, đồng thời tăng khả năng tập trung cao hơn.
- Khi người lớn chơi cùng trẻ con, chúng ta thường lèo lái bé chơi theo cách suy nghĩ của người lớn, theo hướng logic thông thường khiến trí tưởng tượng của trẻ bị giới hạn. Trẻ tự chơi sẽ phát huy tối đa sự sáng tạo và trí tưởng tượng của bản thân.
- Khi không thể tự chơi một mình, trẻ dễ dàng cảm thấy “lạc lối”, bối rối và tìm ngay đến ba mẹ. Ngược lại, trẻ luôn chủ động nghĩ ra, tìm ra được cái gì đó để chơi và khám phá.
- Trẻ tự chơi sẽ trải qua giai đoạn “bất an xa cách” trong giai đoạn 10-18 tháng nhanh hơn trẻ luôn có người bên cạnh.
- Khi trẻ biết cách tự chơi độc lập, ba mẹ sẽ có thời gian thư giãn , chăm sóc bản thân và hoàn thành nhiều công việc có ích khác.
Tập bé chơi độc lập như thế nào?!
Từ 0-3 tháng tuổi: Bạn dạy bé kĩ năng “tự trấn an” thông qua việc rèn tự ngủ. Bạn xem bài viết chia sẻ kinh nghiệm luyện bé tự ngủ và nếp sinh hoạt độc lập EASY3 để rõ hơn nhé.
Từ 3-6 tháng tuổi: Nếu bé chưa tự ngủ được thì đây là lúc mẹ cần bắt đầu luyện tập tích cực cho bé. Việc tập EASY thành công sẽ giúp bạn kiểm soát được rõ ràng thời ngủ- ăn -chơi của bé cố định mỗi ngày.
Bé càng lớn sẽ có thời gian thức càng dài hơn nên sau khi ngủ dậy, mẹ hãy chọn một hay hai khoảng thời gian cố định trong ngày để bé tự chơi một mình, có thể trong nôi, trong chuồng lớn hoặc trên sàn (bảo đảm an toàn). Thời gian chơi độc lập tuỳ thuộc vào thời gian thức của bé, tăng lên từ 10-15 phút theo tháng tuổi.
Từ 6-12 tháng tuổi trở đi: Thời gian này bé đã có thể tự chơi 1-2 tiếng mỗi ngày, chia ra nhiều lần nhỏ.
Với những bé ở tháng tuổi này mới bắt đầu được mẹ tập nếp độc lập thì bạn có thể cho bé làm quen với việc tự chơi từng chút một. Đầu tiên, bạn ngồi cạnh con trong lúc con chơi nhưng không chơi cùng con mà chỉ để con an tâm. Đến khi con quá tập trung vào việc chơi của mình mà quên đi sự có mặt của bạn, bạn có thể tránh đi trong 5 phút. Ngày thứ hai, bạn tăng thời gian “vắng mặt” lên 10 phút – 15 phút -20 phút…đến khi nào con có thể ngồi tự chơi lâu hết mức có thể.
Bé sẽ KHÓC! Dĩ nhiên, tập nếp sinh hoạt nào mới, bé đều sẽ phản ứng bằng nước mắt. Cũng giống như tập tự ngủ, bạn khoan vội bế con mà hãy dùng lời nói, cử chỉ để con biết đây là giờ con tự chơi.
Điều này không có nghĩa là không bế con, không ôm con là không thương yêu con. Chúng ta chỉ thể hiện tình thương yêu một cách tích cực và “lành mạnh” hơn. Bạn có thể mua một số đồ chơi gỗ, hộp – ly giấy màu, đồ chơi có âm thanh để thu hút bé chơi lâu hơn.
Mong bé có những khoản thời gian tự chơi thật bổ ích và mẹ lại thành công nuôi con khoa học nhé.
Để lại một bình luận