Quinn sinh ra với cơ địa da hơi khô. Với làn da trắng, những lớp da thô ráp nổi lên bề mặt càng thấy rõ. Từ lúc được sinh ra ở bệnh viện Hạnh Phúc, bác sĩ đã căn dặn mình nên thoa kem dưỡng ẩm cho bé thường xuyên. Mọi chuyện có vẻ yên ổn cho đến khi Quinn được hai tháng tuổi. Anh ấy bắt đầu xuất hiện những hột li ti nho nhỏ màu đỏ ở hai bên má và có vẻ gây ngứa.
Nhờ có đọc sách “Để con được ốm”, mình xác định ngay đây là một dạng chàm sữa hay còn gọi là viêm da chàm hay viêm da cơ địa rất phổ biến ở trẻ sơ sinh từ hai tháng tuổi trở đi.
Do đó, mẹ Silk muốn chia sẻ với các mẹ bỉm sữa một số kinh nghiệm trị chàm cho Quinn sau hai tuần và hiện tại Quinn đã bớt hẳn đi rất nhiều.
Đầu tiên chúng ta cần phân biệt bệnh chàm với viêm da dị ứng và nẻ
Phân biệt chàm – viêm da dị ứng và nẻ
Viêm da chàm hay còn gọi là eczema hay viêm da cơ địa là một bệnh mạn tính – bệnh kéo dài. Trẻ thường bắt đầu chàm khi được 2-6 tháng tuổi. Khi bị chàm, da trở nên nhạy cảm, biểu hiện da bị khô sần và ngứa.
Viêm da dị ứng là tình trạng viêm da do dị ứng, da bị nổi mẩn ngứa và không kéo dài như chàm. Viêm da dị ứng có thể gây ra do thức ăn, do hóa chất…
Nẻ là tình trạng bị nứt da do thời tiết lạnh khô của mùa đông. Qua mùa đông trẻ sẽ hết.
Diễn biến của chàm
Bệnh chàm sẽ bắt đầu bằng các hột nhỏ li ti trên mặt, vùng má của trẻ sẽ bị sần khô và chảy nước. Đến khi vết chàm trên má đỡ, nó sẽ nổi lên ở các nếp gấp cơ thể như cổ, nách, khuỷa tay, cổ chân …hoặc những nơi hay tiếp xúc với bên ngoài. Thậm chí có nhiều trẻ bị sần khô và ngứa toàn thân rất tội nghiệp.
Việc trẻ bị ngứa sẽ dẫn đến gãi nhiều làm da vị trí đó bị loét, gây nhiễm trùng da bởi vi khuẩn có thể xâm nhập.
Nguyên nhân gây chàm
Nguyên nhân của chàm là do cơ địa, gene, yếu tố di truyền. Trẻ có cơ địa này khi tiếp xúc với một số yếu tố gây dị ứng sẽ biểu hiện viêm da.
Những nguồn gây dị ứng thường gặp ở trẻ: với bé nhỏ chính là sữa bò, bé lớn hơn có thể là thức ăn, hóa chất có trong xà phòng tắm, nước xã vải…
Cách hạn chế chàm khi vừa khởi phát
Một tin không vui đối với các bà mẹ có con bị chàm như mình là: bệnh chàm không thể chữa hết và có thể kéo dài nhiều năm. Đa số trẻ bị chàm sẽ bớt khi qua tuổi dậy thì, nhưng cũng có trẻ bị chàm kéo dài suốt đời.
Cách điều trị chàm chủ yếu vẫn là giữ cho vùng da bị chàm luôn luôn ẩm, bởi da khô sẽ bị ngứa. Thuốc điều trị chàm chủ yếu là thuốc thoa để giữ ẩm và cần thoa mỗi ngày. Ngay cả khi vùng da đó đã lành vẫn phải cần giữ ẩm liên tục.
Với các bé bị chàm thông thường, kem dưỡng ẩm có thể là cetaphil, vaseline, dầu dừa… Ban đầu mình dùng dầu dừa nhưng thấy hơi rít và thấm hút lâu nên mình chuyển sang dùng vaseline thoa lên má cho Quinn thì thấy bé dễ chịu hơn.
Với các bé bị chàm nặng hơn, mẹ dùng thuốc thoa chứa corticoid. Lúc này bạn nên dẫn bé đi khám để được bác sĩ tư vấn chuyên môn nhé.
Bên cạnh đó, bạn nên hạn chế dùng các loại xà phòng tắm quá thơm và có khả năng gây kích ứng da. Tốt nhất là các bạn nên dùng xà phòng tắm chuyên dụng cho em bé có nguồn gốc tự nhiên – an toàn cho làn da nhạy cảm như cetaphil.
Lưu ý quan trọng là không tắm nước quá nóng mà phải tắm bằng nước mát. Không nên để trẻ ngồi trong bồn tắm quá lâu, tắm thật nhanh các mẹ nhé.
Về nước giặt và nước xã vải, các bạn cũng nên chọn loại an toàn cho bé, không quá thơm hay nhiều hóa chất. Mình đang dùng nước giặt D-nee của Thái và khá ưng bởi mùi thơm nhẹ nhàng và an toàn cho da bé.
Điều quan trọng là bạn không nên để cho bé bị nóng, đổ mồ hôi khi bị chàm. Nhiệt độ phòng thích hợp là từ 16-24 độ C. Vì vậy ba mẹ sẽ tốn nhiều tiền để mở máy lạnh đó nên bác sĩ hay gọi chàm là bệnh con nhà giàu haha.
Điều cuối cùng là bạn nên mặc vải cotton cho bé để giảm kích ứng, tránh các loại vải len thô ráp các mẹ nhé.
Mình kết hợp tất cả các yếu tố trên để chăm sóc da kỹ lưỡng cho Quinn thì sau hai tuần vết chàm giảm nhiều hẳn. Tuy nhiên, mỗi khi thời tiết quá nóng là anh ấy sẽ nổi đỏ nhẹ lại. Vì vậy ba mẹ khi nuôi con cần tinh tế quan sát xem nguyên nhân nào hay khiến bé bị chàm để biết mà ngăn chặn.
Mẹ Silk xin chúc các bé ăn ngoan chóng lớn và khỏe mạnh vui tươi nhé 😉
Để lại một bình luận