Chào các mẹ,
Sau chuyến vui hè tại Nha Trang cùng gia đình, Quinn nhỏ nhà mình có hiện tượng bị tiêu chảy và rối loạn tiêu hoá nhẹ. Quinn đi phân lỏng rất nhiều lần trong ngày, người lúc nào cũng sốt nhẹ tầm 38 độ. Do “xì xoẹt” liên tục nên “tiêu chảy” luôn đi kèm với một anh bạn rất thân là “hâm tã”. Đau khổ tăng gấp đôi với người làm mẹ như mình.
Quinn bị hâm tã nặng, đỏ chét toàn bộ bộ phận sinh dục ngoài. Tối con ngủ không ngon vì vừa đau do hâm tã, vừa thức giấc do bị tiêu chảy. Mình rất lo lắng và có cho đi khám bác sĩ. Sau khi khám kỹ phổi tim, bác sĩ xác định nhao động ruột hoạt động bình thường nên chẩn đoán là rối loạn tiêu hoá nhẹ, bổ sung thêm men tiêu hoá nếu cần mà thôi, chứ không thuốc men gì cả. Trong những ngày đó, con khá kén ăn nhưng trộm vía vẫn bú đều.
Kinh nghiệm trị rối loạn tiêu hoá nhẹ
Dù bác sĩ không nói kiêng khem gì nhưng mình hạn chế tối đa việc sử dụng các thức ăn ngoài cũng như đồ đóng hộp, chăm chỉ nấu thực phẩm chín sôi kỹ lưỡng tại nhà cho bé trong thời gian bị bệnh.
Cũng như chị hai Silk, Quinn cũng được tập ăn thô theo Baby Lead Weaning từ 6 tháng tuổi. Đến thời điểm hiện tại, trộm vía Quinn ăn được đa dạng thực phẩm, kỹ năng nhai khá tốt, khả năng cầm nắm đồ ăn và cho vào miệng nhai nuốt thành thạo.
Khi Quinn bị tiêu chảy, mình dùng sữa hạt nhà làm thương hiệu Lành (sữa hạt hạnh nhân, hạt macca, hạt óc chó…) nấu cùng với một ít yến mạch hữu cơ thành cháo hầm chung với một ít cà rốt cắt hạt lựu, KHÔNG nêm bất cứ gia vị gì. Do Quinn không thích ăn đồ quá lỏng nên mình nấu đặc vừa phải. Cà rốt là một phương thuốc tự nhiên trị bệnh tiêu chảy rất tốt. Mình cứ cho con ăn mỗi bữa 1/2 chén ăn cơm, ngày hai lần.
Mình không cho bé ăn uống đồ chua chứa nhiều vitamin C vào giấc buổi chiều như cam, chanh, quýt, bưởi…và hạn chế ăn những loại trái cây “dễ đi” như chuối và đu đủ trong thời gian đó. Và con có hiện tượng giảm chuyện đi phân lỏng, phân đặc dần hơn.
Bên cạnh đó, mình cho bé uống bổ sung men tiêu hoá Enterogermia – dạng lỏng, hiệu của Pháp, an toàn và tốt cho cả trẻ em và người lớn – một ngày một ống. Tuy nhiên, khi sử dụng bất cứ thuốc nào cho trẻ, các mẹ nên tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ nhé.
Minh kiên trì như vậy 3 ngày thì con ngừng tiêu chảy, đi phân đặc, ăn bú chơi ngủ bình thường lại, bé vui vẻ phấn khởi hẳn. Kinh nghiệm mình vừa chia sẻ cho các mẹ chỉ áp dụng với trường hợp rối loạn tiêu hoá nhẹ. Nếu bé đi phân lỏng kèm theo máu tươi hay gì bất thường thì phải dẫn bé đến bác sĩ khám và điều trị nhé.
Kinh nghiệm trị hâm tã sơ sinh dạng nặng
Mình từng chia sẻ với các bạn một số mẹo xử lý hâm tã nhanh trong bài viết:
Tuy nhiên, khi bé có dấu hiệu bị hâm tã nặng như da trầy xước, viêm nhiễm đỏ và thậm chí là rơm rớm máu đỏ ngoài da như Quinn nhà mình thì chúng ta phải dùng phương thức khác.
Các kem chống hâm dạng mỡ thường chỉ sử dụng như kem dưỡng da thường xuyên mỗi khi thay tã và phòng chống hâm dạng nhẹ mỗi ngày cho bé mà thôi. Còn khi bé có dấu hiệu trầy xước da, viêm da thì càng bôi kem mỡ càng khiến tình hình trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn. Đây là bài học kinh nghiệm mình rút ra được sau vụ việc lần này.
Thay vào đó, ban ngày mình hạn chế cho con mặc tã, chỉ mặc quần vải mỏng để con thả rông cho thoáng. Trả giá bằng việc dọn dẹp, lau nhà điên cuồng nhưng vì thương con đành chấp nhận. Khi con ngủ đêm thì mình tin dùng tã Merries vì khả năng thấm hút cao hơn 10 tiếng. Tuy nhiên nửa đêm mình phải lọ mọ thức dậy để thay tã mới cho con ngủ thêm ngon giấc.
Quy trình vệ sinh khi bé hâm tã nặng của mình như sau: sau khi rửa sạch nhẹ nhàng bằng nước ấm, mình rửa thêm lần nữa bằng nước muối sinh lý. Mình không dùng khăn sữa mà dùng khăn vải khô lau sạch cho con, ngừng bôi thuốc mỡ chống hâm và đổi sang bôi thuốc xanh Methylene.
Mình cho một ít Methylene vào khăn vải khô và chậm nhẹ nhàng lên những vùng da bị trầy xước, viêm đỏ. Cứ lặp lại như vậy mỗi lần vệ sinh. Mục đích của Methylene là khiến các vết thương ngoài da mau khô bề mặt và được tiệt trùng. Sau 5 ngày, những vết trầy xước lành hẳn và chứng hâm tã cũng biến mất.
Giờ con vui vẻ chơi đùa, ăn bú ngủ bình thường trở lại. Mình rất vui khi được chia sẻ những mẹo hay cho các mẹ vì mình biết không gì đau khổ như con bệnh con đau. Chúc bé vui khoẻ, ăn ngoan chóng lớn mẹ nhé.
Để lại một bình luận