Gần đây, báo đài ngày nào cũng đăng tải về vấn nạn nhiều người tẩy chay sữa bò vì sợ thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng trong quá trình chăn nuôi còn tồn đọng lại trong sữa, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người đặc biệt là trẻ nhỏ. Nhờ đó mà “sữa hạt” – sữa thực vật trở thành xu hướng mới thay thế sữa động vật, là bí quyết “thần thánh” nuôi con khoẻ mạnh.
Vậy thật chất sữa hạt là gì? Sữa hạt có cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ như sữa bò không? Sử dụng sữa hạt như thế nào thì đúng? Và chúng ta có nên thay thế hoàn toàn sữa bò bằng sữa hạt cho trẻ không?
Là một bà mẹ “ăn chay” và rất quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng cho con, mình muốn chia sẻ với các bạn một ít nghiên cứu, tìm hiểu về sữa hạt để có quyết định đúng đắn dùng sữa nào cho con bạn nhé.
Sữa hạt là gì?
Sữa hạt là thức uống được chế biến từ các loại hạt gồm hai nhóm chính: nhóm hạt giàu chất béo và đạm (hạnh nhân, óc chó, các hạt đậu) và nhóm làm từ các loại hạt ngũ cốc (yến mạch, gạo lứt, khoai lang, ngô…).
Theo phát biểu của Viện dinh dưỡng quốc gia: “Sữa các loại hạt không thể coi là sữa. Đây chỉ được coi sản phẩm bổ sung dinh dưỡng vì sữa được xem là dịch tiết của động vật có vú và có thành phần đạm đủ tiêu chuẩn.”
Theo mình thì danh từ “sữa hạt” chẳng qua cũng là tên gọi cho một dạng thức uống được chưng cất từ các loại hạt bổ dưỡng, tốt cho sức khoẻ. Điều quan trọng không phải ở tên gọi mà là thành phần dinh dưỡng của các loại hạt ấy như thế nào. Nào chúng ta cùng nhau tìm hiểu tiếp về hàm lượng dinh dưỡng của từng loại hạt phổ biến nhất nhé.
Hàm lượng dinh dưỡng của các loại hạt
Dưới đây là thông tin về thành phần dinh dưỡng của một số loại hạt phổ biến mà mình đã nghiên cứu và ghi chép được:
Đậu nành
Đậu nành rất giàu năng lượng và acid béo không no nên là nguồn năng lượng lành tính, không cholesterol thích hợp với tất cả mọi người.
Đạm đậu nành lại là loại đạm thực vật tốt nhất, chứa nhiều acid amin thiết yếu mà cơ thể con người không tự tổng hợp được, giúp trẻ được bổ sung đầy đủ và hấp thu nhanh hơn so với các loại thực phẩm khác.
Đậu nành đã được chứng minh là chứa canxi, giúp trẻ phát triển chiều cao và hệ xương. Đậu nành cũng chứa magan – dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của não và các tế bào thần kinh.
Xét về tỉ lệ đạm, canxi và các dưỡng chất trong đậu nành, sữa đậu nành tương tự các chế phẩm cung cấp đạm có nguồn gốc từ động vật.Vì thế, đậu nành là thực phẩm hoàn toàn thích hợp và cần thiết cho trẻ nhỏ.
Đậu đen: hàm lương dưỡng chất của đậu đen tương đương đậu nành.
Đậu xanh
Đậu xanh giàu protein, tinh bột, nhiều loại khoáng chất, vitamin B và axit amin, có hiệu quả rất tốt đối với việc giảm bớt sự mệt mỏi, sưng phù hay tiểu tiện khó khăn…. Đậu xanh còn có công dụng thanh nhiệt, giải độc, giúp mắt sáng hơn, hạ huyết áp,….
Đậu đỏ
Đậu đỏ chứa nhiều vitamin như B1, B2, protein và nhiều loại khoáng chất, có tác dụng bổ huyết, lợi tiểu, tiêu phù, thúc đẩy hoạt động của tim mạch…
Đậu vàng
Đậu vàng giàu protein, có chứa nhiều loại vitamin, chất béo, omega 3 và sắt. So với các loại thực phẩm khác, chỉ tính hàm lượng protein thì đậu vàng cao hơn thịt nạc 2 lần, cao gấp 4 lần so với trứng gà, 2 lần so với sữa bò. Đậu vàng được xem là lựa chọn tối ưu thay thế sữa bò cho trẻ.
Nếu các bạn quan tâm đến sữa đậu vàng thì có thể tìm hiểu về thương hiệu “Ripple Pea Milk” của Mỹ. Nhờ tìm hiểu về sữa hạt cho Silk mà mình đã biết thêm thương hiệu sữa thực vật nổi tiếng. Mình nhất định sẽ mua về thử và cho các bạn một bài review chi tiết về sữa đậu vàng Ripple nhé.
Hạnh nhân
Sữa hạnh nhân là một hỗn hợp giữa hạt hạnh nhân và nước, sau đó được lọc bỏ những chất bã. Sữa hạnh nhân là lựa chọn tuyệt vời cho người ăn chay và những người bị dị ứng với bơ sữa.
Nhưng do sữa hạnh nhân đã trải qua một quá trình sàng lọc nên làm mất đi một lượng lớn chất xơ và chất oxy hoá so với hạnh nhân nguyên chất.
Hàm lượng dinh dưỡng trong sữa hạnh nhân gần giống với sữa bò, bao gồm vitamin D, canxi, protein, hàm lượng cao các chất khoáng tự nhiên và một số vitamin đặc biệt là vitamin E. Tuy nhiên, hạnh nhân lại chứa chất axit phytic, một chất kháng dinh dưỡng làm cơ thể hạn chế tiếp thu sắt, kẽm và magie.
Chính vì vậy mà sữa hạnh nhân không đảm bảo cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, để được thay thế hoàn toàn cho sữa bò.
Khi nào bé nên uống sữa hạt
“Theo khuyến cáo của WHO, trẻ em dưới 6 tháng phải ăn chất đạm 100% có nguồn gốc động vật. Điều này đồng nghĩa trẻ dưới 6 tháng tuổi phải bú sữa mẹ hoàn toàn. Trong trường hợp mẹ mất sữa, trẻ cần được dùng sữa bột công thức từ các loại động vật như sữa bò.
Đối với nhóm trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, ngoài sữa mẹ, trẻ sẽ phải ăn thức ăn bổ sung, duy trì ăn 70% có đạm nguồn gốc động vật. Trẻ trên 1 tuổi có thể dùng “sữa hạt” để bổ sung dinh dưỡng với điều kiện trẻ phải được ăn đầy đủ các thức ăn có nguồn gốc đạm động vật, ăn đủ theo nhu cầu. Khi áp dụng “sữa hạt” dùng cho trẻ nhỏ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng”.
Có nên thay thế sữa bò hoàn toàn bằng sữa hạt?
Theo ý kiến chuyên gia của các bác sĩ: “dù các loại hạt rất giàu chất đạm và béo nhưng đều là những dưỡng chất có nguồn gốc thực vật, thường không có sự cân đối axit amin. Trẻ nhỏ nếu chỉ ăn sữa hạt sẽ bị thiếu sắt, kẽm và những axit amin thiết yếu do các vi chất dinh dưỡng có nguồn gốc thực vật thường khó hấp thu.
Uống nhiều sữa hạt còn dẫn tới hạn chế hấp thu sắt. Bên cạnh đó, canxi thực vật khó hấp thu nên trẻ dùng thường xuyên có thể bị còi xương. Trẻ uống sữa hạt vẫn lên cân tốt và béo khỏe thường là những đứa trẻ vẫn kết hợp bú sữa mẹ hoàn toàn/ sữa bò và sữa hạt bổ sung”.
Nhưng khoa học tiến bộ đã cho ra đời một dòng sữa thực vật cung cấp hàm lượng chất dinh dưỡng tương đương sữa bò, đó là sữa đậu Hà Lan vàng. Các bạn có thể mua dạng chai làm sẵn của Ripple hoặc dạng hạt sấy khô 500gr/bịch.
Kết luận
Nhiều người tẩy chay sữa bò vì sợ thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng còn tồn đọng trong sữa, gây hậu quả khó lường với sự phát triển của trẻ nhỏ.
Cũng giống như các bạn, mình là một bà mẹ bỉm sữa đang tìm hiểu về nguồn thực phẩm sạch mới cho con. Chưa dám từ bỏ hoàn toàn sữa bò, trong giai đoạn đầu mình sẽ kết hợp sữa thực vật và sữa động vật cho Silk và theo dõi sự phát triển của cơ thể con. Và trong khi dùng sữa hạt, Silk vẫn phải ăn đầy đủ thức ăn có nguồn gốc đạm động vật (thịt, cá, trứng).
Vì vậy, bài viết này không phải là một sự khẳng định hay phủ định việc thay thế sữa bò bằng sữa thực vật. Mà chỉ đơn giản là một góc chia sẻ nho nhỏ những thông tin, kiến thức mình tìm hiểu về sữa hạt cho các bạn. Trong tương lai, nếu mình thành công với công cuộc sữa hạt hoàn toàn cho Silk, mình nhất định sẽ chia sẻ ngay những kinh nghiệm hữu ích về việc nên chọn loại hạt nào, cách chế biến sữa hạt ra sao và quy cách cho trẻ uống sữa hạt như thế nào.
Nếu mẹ bỉm sữa nào có kinh nghiệm về công cuộc cai sữa bò thành công cho bé, đừng ngại chia sẻ trên Super Silk để mọi người cùng có thêm thông tin hữu ích nhé. Vì một tương lai tươi sáng của con em chúng ta.
[…] với người quan tâm đến sức khoẻ đặc biệt là người ăn chay và các mẹ bỉm sữa muốn bé hạn chế sữa bò thì sữa hạt là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng thay thế tương đối […]