Khi nào tôi nên cho bé bắt đầu đi giày?
Đây là câu hỏi thường gặp nhất của các phụ huynh có con vào tuổi tập đi. Nhiều phụ huynh thường khá bối rối với thời điểm khi nào nên cho con bắt đầu đi giày bởi vì chúng ta lo ngại cho con đi giày quá sớm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của đôi chân và khiến trẻ tập đi khó khăn hơn. Vậy chính xác thời điểm nào là phù hợp cho bé làm quen với đôi giày đầu tiên trong đời?
Silk nhà mình có bước đi vững vàng đầu tiên lúc 11 tháng tuổi. Không thể diễn tả hết được niềm hạnh phúc khi thấy đứa con gái bé bỏng miệng toe toét cười, lóng ngóng bước đi trên đôi chân nhỏ xíu tiến về phía mẹ. Với kinh nghiệm của một người mẹ trẻ có con đã qua tuổi tập đi, mình muốn chia sẻ một số kinh nghiệm giúp bé mau biết đi và thời điểm nên cho bé bắt đầu đi giày cũng như cách thức lựa chọn giày phù hợp cho bé nhé
Khi nào bé biết đi
Thông thường, các bé bước những bước đầu tiên vào khoảng 9-15 tháng. Sau khi biết ngồi vào khoảng 6 tháng tuổi, bé bắt đầu học cách sử dụng các cơ ở chân để đứng thẳng. Thời gian đầu bé sẽ tập vịn đứng là chính để làm quen với việc thăng bằng trên hai chân. Sau đó, thường bé sẽ tự động đi mà không cần hỗ trợ lúc khoảng 10 tháng tuổi. Tiếp đến sẽ là giai đoạn leo trèo nghịch ngợm (Giai đoạn kinh hoang đáng sợ nhất các mẹ ơi huhu)
Đừng quá lo lắng khi thấy “con nhà người ta” cùng tháng tuổi đều đã tự đi được bằng hai chân mà con mình vẫn thích khám phá mọi thứ bằng cách bò trên sàn nhà. Mỗi bé đều có những bước ngoặt phát triển khác nhau. Bạn cứ kiên nhẫn chờ đợi và tin tưởng vào khả năng của con mình cũng giống như đợi trái cây chín từ từ ăn sẽ ngon hơn là nhúng thuốc vậy :)) Nếu con bạn trên 16 tháng và chưa thể đi, lúc ấy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để có biện pháp can thiệp đúng đắn.
Mình cũng đã từng hoang mang khi bà nội ngày nào cũng phàn nàn tại sao Silk chưa chịu biết đi. Đến khi Silk biết đi rồi thì mình lại mong Silk quay lại thời kì biết lật haha. Một ngày chạy theo sau Silk coi chừng cũng đủ để mẹ ốm.
Nên làm gì giúp bé mau biết đi?
Thật tình ba mẹ không thể tác động gì nhiều đến việc biết đi của con mình đâu. Con thích thì con sẽ đi thôi mà. Tuy nhiên, bạn có thể hỗ trợ bé một chút xíu để giúp con khám phá đôi bàn chân của mình nhanh hơn một xíu xíu.
Ví dụ như Silk nhà mình bắt đầu tập vịn đứng lúc 10 tháng tuổi trong cái “chuồng” thân thương của bé. Mình quan sát con tay nắm chặt các thanh gỗ, lần mò bước ngang sang trái rồi phải trong cái chuồng đồ chơi. Nhờ những song gỗ này mà Silk rất mau biết vịn đứng. Lúc ấy ba Silk hay gọi Silk đi như cua haha. Vì vậy nếu nhà bạn có diện tích rộng rãi, bạn có thể tự tạo một sân chơi an toàn ngay trong nhà cho bé mau biết đi.
Thêm vào đó, Mẹ thấy Silk ham đi quá nên mua cho Silk cái xe tập đi bằng gỗ 4 bánh, có thanh cầm tay và được đẩy đi từ phía sau. Nhờ có xe đẩy tập đi mà Silk mau tự vững bước đi một mình hơn.
- Ưu điểm thứ nhất của xe tập đi thông minh này là bé không thể kéo xe lùi về phía sau do bánh xe chỉ được thiết kế đẩy tới nên hạn chế việc bé té về phía sau.
- Điểm thứ hai đáng chú ý là để đẩy xe về phía trước bé sẽ phải sử dụng lực của cả cơ tay và cơ chân, giúp bé phát triển toàn diện.
- Ưu điểm thứ ba là việc cho bé tập đi bằng xe đẩy như thế này hạn chế hiện tượng chân vòng kiềng. Các mẹ KHÔNG nên cho bé đi xe tập đi vòng tròn nhé. Xe tập đi vòng tròn rất dễ khiến chân bé bị vòng kiềng, lại khiến bé lười tập đi. Nhiều bé chỉ thích vào xe vòng tròn để ngồi chơi, nghịch ngợm chứ không tập đứng và đi đâu mẹ ạ.
- Ưu điểm cuối cùng là phần thưởng cho mỗi bước đi của bé sẽ là âm thanh lóc cóc vui tai phát ra từ những con thú nhỏ xinh bằng gỗ khi bé đẩy đi.
Vậy là các mẹ bỉm sữa đã biết thời điểm nào bé có tín hiệu bắt đầu tập đi cũng như cần làm gì để hỗ trợ con khám phá đôi chân mình nhanh hơn rồi nhé. Trong phần hai mình sẽ chia sẻ chi tiết về cách thức xác định size giày cho bé cũng như nên lựa chọn giày như thế nào là phù hợp cho bé mới tập đi.
Bây giờ đã là 25 âm lịch rồi. Vài ngày nữa thôi chúng ta sẽ đón Tết Nguyên Đán Đinh Dậu rồi ha. Mẹ Silk xin chúc các bạn có một kì nghỉ Tết ấm áp, sum vầy bên gia đình và bạn bé nhé. Đừng quên ghé đọc những bài viết mới của BLDL khi có thời gian rãnh nhé.
Thân ái
Để lại một bình luận