Bé Silk nay đã được 2 tuổi rồi. Vậy mà kí ức lần đầu tiên mình nghe tiếng con khóc cứ như mới hôm qua. Bên cạnh niềm hạnh phúc, háo hức chào đón thành viên mới của gia đình, người phụ nữ sau sinh còn phải đối mặt với gánh nặng của thiên chức làm mẹ và…vô vàn những kiêng cữ sau sinh.
Ngồi ngẫm lại một tháng đầu sau sinh, mình chợt “rùng mình” và thật sự không muốn quay lại khoảng thời gian đó. Lần đầu làm mẹ, mình không tránh khỏi những áp lực nuôi con như: làm sao để nhiều sữa mẹ và duy trì nuôi con sữa mẹ dài lâu, làm sao để cho con tự ngủ, làm sao để ợ hơi, thay tã cho con đúng cách…Một ngàn lẻ một thắc mắc trong một tháng đầu lóng ngóng bước vào công cuộc nuôi con. Nhưng tính mình nếu đã yêu thích và hết lòng muốn làm việc gì thì sẽ làm đến cùng. Đó là lí do mình đọc rất nhiều sách, không “giấu dốt” gọi cho bác sĩ, hộ sinh để học hỏi kinh nghiệm nuôi con đúng.
Tuy nhiên, những áp lực về nuôi con không là gì so với những kiêng cử ghê rợn sau sinh. Bên cạnh những kiêng cử đúng khoa học còn có vô vàn các thể loại kiêng cử dân gian. Phần lớn đều được truyền miệng từ thời ông cha để lại, không còn thích hợp với đời sống tiên tiến nữa…thâm chí là sai lầm. Mình cũng đã từng là nạn nhân của bi kịch kiêng cữ này. Nhưng mình tự nghiên cứu và âm thầm chống lại áp đặt nào quá phi lí từ phía ông bà. Do đó, qua bài viết này, mình muốn chia sẻ với các mẹ bầu vừa sinh về những kiêng cữ nên và không nên làm sau sinh. Không phải kiêng gì cũng tốt và cũng không phải cái gì cũng cữ.
1. Không nên căng thẳng
Đây là một kiêng cữ hoàn toàn khoa học và rất cần thiết cho giai đoạn sau sinh. Không chỉ ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ, sự căng thẳng còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người mẹ mới sinh.
Trong một tháng đầu tiên, mình từng không đếm hết được bao nhiêu lần trào nước mặt. Một nhân vật bé nhỏ xuất hiện cướp hết cuộc sống trước đây của mình. Ăn vội, ngủ ít, tắm thiếu, thời gian chăm sóc cho bản thân không còn, vui chơi xem phim cùng chồng chỉ còn là ảo tưởng, thân hình mập bệu, tóc tai bù xù…Mình dần như chỉ là một cái máy hút sữa cho Silk mà thôi. Có thể các bạn không tin nhưng nhiều lúc mình ghét cả Silk, mình không biết sinh con ra để làm gì. Và đây là tâm trạng chung của rất nhiều phụ nữ lần đầu làm mẹ. Mình từng dường như trầm cảm, căng thẳng, khóc lóc không kiểm soát trong tháng đầu tiên. Có lần do quá căng thẳng mà cả một ngày mình không có đến một giọt sữa cho con.
Nếu các bạn bầu đang mơ tưởng về một cuộc sống kì diệu cùng bé như trên phim Hàn Quốc thì hãy tỉnh ngộ. Bởi những gì mình chia sẻ ở đây hoàn toàn là sự thật!
Nếu không nhờ chồng luôn luôn yêu thương, hỗ trợ, đồng cảm, mình sẽ không thể nào đủ sức duy trì nuôi Silk hoàn toàn sữa mẹ lâu như thế. Mình biết giữ tâm trạng vui vẻ yêu đời trong 3 tuần đầu tiên là viêc rất rất khó! Tuy nhiên, các bạn hãy cố gắng lạc quan, thả lỏng cảm xúc để khoẻ người và nhiều sữa cho con nhé.
Mẹo hay
Thứ nhất: Để vượt qua sự căng thẳng, trước hết bạn nên hít thở sâu. Thật đấy! Là một giáo viên Yoga, mình hiểu rõ tầm quan trọng của việc hít thở. Hít sâu thở chậm không những cung cấp nhiều oxy cho cơ thể mà còn giúp tinh thần bạn trầm tĩnh lại.
Thứ hai: Nếu lúc đó bạn thật sự cảm thấy quá ngột ngạt, không thể đối mặt với con thì đừng ngại nhờ chồng hay bất cứ người thân nào trông con phụ bạn. Hãy đi ra khỏi phòng, uống nước, ăn gì đó bạn thích hoặc có thể ra ngoài tản bộ xung quanh nhà. Tâm trạng sẽ khá hơn nhiều đấy.
Thứ ba: Hãy đi tắm nước ấm, giãn dây thần kinh, giải toả căng thẳng.
Thứ tư: Đi ngủ giấc ngắn haha.
Đây là bốn mẹo hay mà mình thực hành suốt trong một tháng đầu khó khăn. Hãy suy nghĩ tích cực, cố gắng vui vẻ, hạn chế căng thẳng vì sức khoẻ tốt, tinh thần thanh thản và …quan trọng hơn là công cuộc nuôi con sữa mẹ.
2. Không nên tập thể dục quá nặng
Mình hiểu tâm lý chung của phụ nữ sau sinh rất bất mãn về thân hình của mình. Da bụng nhăn nhúm lều phều, đùi cánh tay không săn chắc, lại còn không được kiêng ăn vì đang trong thời kỳ cho con bú.
Tuy vậy bạn cần kiên nhẫn, đừng vội vã, “đốt cháy giai đoạn”. Vì sốt ruột trước cơ thể sồ sề sau sinh, nhiều mẹ đã bắt đầu luyện tập từ rất sớm. Đâu biết rằng tập thể dục quá sức, đặc biệt là vận động mạnh vùng xung quanh bụng, có thể ảnh hưởng đến tử cung, âm đạo và đáy xương chậu. Điều này thường làm cho tử cung chậm hồi phục hơn.
Các bà mẹ sinh tự nhiên có thể bắt đầu vận động từ ngày 2-3 sau khi sinh, nhưng mẹ sinh mổ thì sẽ phải chờ đợi cho đến một tháng sau khi mổ; hoặc vết thương lành lại mới có thể tập những bài tập phức tạp. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của mình, các bạn nên kiên nhẫn khi sản dịch hết hoàn toàn rồi hãy bắt đầu tập luyện.
Mình đã từng đếm giờ đếm ngày để được chạy bộ, được tập yoga, để lấy lại thân hình thon gọn săn chắc trước đây. Rồi mình cứ dằn lòng, cứ kiên nhẫn, hết lòng lo cho con trước rồi bung lụa sau khi thời cơ đến. Đến qua đầu tháng thứ 3, sau khi hết hẳn sản dịch, mình bắt đầu quay lại việc tập luyện bằng những bài Yoga và Pilate nhẹ nhàng. Chỉ 6 tháng sau sinh là mình lấy lại vóc dáng như trước thậm chí ốm hơn vì nuôi con sữa mẹ.
Mẹo hay
Nhiều bạn gửi mail hỏi mình làm sao lấy lại vóc dáng sau sinh nhanh chóng nhất. Do đó mình đã viết một bài chia sẻ 5 mẹo hay nhanh chóng lấy lại vóc dáng sau sinh. Trong số đó, việc cho con bú mẹ là cách giảm cân thần kỳ nhất. Nghe tưởng đơn giản, các bạn chớ khinh thường việc cho bé bú. Chỉ cần ngồi xuống ôm con và cho con bú, các mẹ có thể tiêu hao 600-800 calo mỗi ngày mà không hay. Con vừa khoẻ mạnh, mẹ vừa tiêu hao năng lượng lấy lại vóc dáng nhanh, vừa tiết kiệm chi phí mua sữa công thức. Một mũi tên bắn ngàn con chim rồi!
Vì vậy ai muốn ốm nhanh sau sinh cứ cho con bú càng nhiều càng tốt, không cần tập quá nặng sau sinh mới ốm được đâu.
3. Không nên quan hệ tình dục
Đây là một vấn đề kiêng cữ khá nhạy cảm. Nhưng phụ nữ sau sinh cần cẩn trọng. Cơ thể cần khoảng thời gian 20 ngày đến 1 tháng để hoàn toàn gột sạch sản dịch sau khi sinh, cho nên “chuyện ấy” lúc này là không nên.
Hơn nữa, sex sau khi sinh con không phải là điều sung sướng dễ chịu gì đâu bởi lúc này cơ thể chưa tiết đủ hormon để có thể khiến hoạt động tình dục được trơn tru. Quan trọng hơn, không ít thì nhiều “nơi ấy” cũng rộng hơn so với trước khi sinh. Chưa kể quan hệ tình dục sớm có thể làm rách vết thương, gây nhiễm trùng vùng kín. Bạn phải kiêng cữ sau sinh ít nhất sáu tuần sau khi sinh để cơ thể trở lại bình thường rồi hãy quan hệ tình dục.
Mẹo hay
Mẹo hay ở mục này chả có gì ngoài thư giãn cho các mẹ và nhẫn nại cho các ông bố haha. Mang thai, sinh con và chăm con khiến người mẹ mệt mỏi, căng thẳng, giảm ham muốn. Chưa kể mẹ còn khô hạn do cơ thể tạm ngưng rụng trứng, nên quan hệ lúc này sẽ rất đau rát. Mẹ có thể chờ đến 8 tuần sau sinh, hoặc khi nào mẹ sẵn sàng.
Việc cần nhất trong thời điểm lúc này không phải là tình dục mà là tình thương. Điều các ông bố cần quan tâm trong một tháng đầu là yêu thương, chăm sóc, giúp đỡ người vợ mới sinh có nhiều thời gian nghĩ dưỡng hơn là đòi hỏi không thích hợp.
4. Không nên ăn thức ăn sống/ cũ và không uống rượu
Chế độ ăn uống của phụ nữ sau sinh vô cùng quan trọng. Bởi mẹ ăn gì chính là bé ăn đó. Cơ thể người mẹ mới sinh còn yếu ớt nên cần tránh ăn các loại thực phẩm được lên men, đồ ăn sống, đồ ăn để qua đêm, đồ ăn có tính hàn như cua, rau đay. Và tránh những thức ăn gây dị ứng, không ăn đá lạnh. Những đồ ăn này có thể làm mẹ bị tiêu chảy hoặc đầy hơi.
Mẹ mới sinh nở cần tránh uống các loại đồ uống có chứa cồn, bởi vì rượu có thể dẫn đến huyết áp cao. Ngoài ra, rượu mà mẹ hấu thu vào cơ thể sẽ được pha trộn với sữa, ảnh hưởng đến con. Quan trọng hơn rượu có thể làm giảm 23% lượng sữa mẹ và làm cho bé chậm lớn, còi cọc và yếu ớt.
Mẹ nên ăn đồ ăn mới và nóng, đủ dưỡng chất kèm theo uống nhiều 2l nước lọc mỗi ngày để cơ thể sản xuất nhiều sữa cho con bú. Thịt đỏ các loại, cá nước ngọt, rau xanh, trái cây…là những thực phẩm “hiền lành” mẹ nên ăn sau sinh.
Đang thảo luận về vấn đề ăn uống sau sinh, mình chợt nhớ đến có một truyền thuyết trong dân gian: “Sữa mẹ ít quá, cần ăn nhiều móng giò để lợi sữa”. Đây là ĐẠI ngộ nhận sai lầm nhất tồn tại rất lâu qua nhiều thế hệ. Bà truyền sang mẹ, mẹ truyền sang con, con truyền sang cháu…chắt…chít. Cứ thế mà món móng giò trở thành truyền thuyết không thể thiếu gắn liền với việc lợi sữa cho phụ nữ mới sinh.
May mắn thay, mình được giác ngộ khai sáng nhờ chuyên gia Lê Nhất Phương Hồng về món ăn thần thánh này. Món cháo móng giò không những không giúp mẹ nhiều sữa hơn mà còn nếu ăn thường xuyên chất béo động vật sẽ dễ gây tắt tuyến sữa.
Hồi mới sinh Silk, mình không hề ăn một chút móng giò nào chỉ có ăn canh đu đủ mà thôi mà vẫn đủ sữa nuôi Silk đến 10 tháng tuổi. Bởi đu đủ xanh được chứng minh rất tốt cho bầu vú vì có nhiều vitamin, đặc biệt vitamin E, và được công nhận có đặc tính lợi sữa cho phụ nữ sau sinh.
Mẹo hay
Nói tóm lại, các mẹ mới sinh cần ăn chín uống sôi, ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm: đạm, tinh bột, chất xơ, chất béo, vitamin…với mức độ cân bằng. Trong một tháng đầu sau sinh, các bạn ưu tiên ăn nhiều rau, đạm từ thịt đỏ, cá sông, tăng cường chất xơ và uống thật nhiều nước lọc và nước trái cây. Qua tháng đầu, khi vết mổ hoặc dịch sản hết hoàn toàn, các bạn có thể ăn được đa dạng thực phẩm nhưng vẫn bảo đảm vệ sinh nhé vì mẹ ăn gì con ăn nấy đó.
Mình vừa tổng hợp 4 điều kiêng kỵ NÊN làm đối với giai đoạn sau sinh của phụ nữ. Phần hai tiếp theo sẽ là những điều kiêng kỵ sai lầm KHÔNG NÊN làm mà các bạn cần tránh. Sản phụ không phải là bệnh nhân nên cần kiêng cữ hợp lý chứ đừng cuồng tin tất cả mọi thứ để rồi cơ thể ốm yếu, con cũng không khoẻ mạnh bạn nhé.
Mẹ Silk,
Để lại một bình luận