Trẻ con thay đổi cảm xúc liên tục, vui buồn thất thường, vừa mới cười toe toét sau lại khóc thét điên cuồng. Khi ấy, người lớn chúng ta thường có phản xạ vô điều kiện thật nhanh là nói ngay với bé:” Đừng khóc nữa! hay Dừng khóc lại ngay! Shhh tất cả mọi người đang nhìn con kìa” hoặc bạo lực hơn là “Nín ngay!”
Tại sao vậy? Vì chúng ta chưa hiểu được lí do vì sao bé khóc hay bởi chúng ta quá mệt mỏi để đủ sức quan tâm và tìm hiểu nguyên nhân. Tuy nhiên thường không đứa bé nào sẽ ngừng khóc khi nghe một trong số yêu cầu trên. Nếu bé cảm thấy chưa được thoả mãn, không được lắng nghe, không được tôn trọng thì bé sẽ chọn cách đơn giản nhất là tiếp tục gào KHÓC TO hơn đến khi nào thành công thì thôi.
Khóc là cách tốt để bé biểu lộ cảm xúc. Vì vậy chúng ta không cần thiết ngăn bé làm điều hết sức tự nhiên ấy. Khi ba mẹ nói bé “Đừng khóc nữa” đồng nghĩa với việc bạn gửi cho bé thông điệp rằng cảm xúc của bé không quan trọng, là ngu ngốc, là phiền toái với bạn.
Càng lớn con người càng giỏi việc đè nén cảm xúc, giấu suy nghĩ vào bên trong. Có những điều với bạn thật tầm thường nhưng với bé là cả một vấn đề to đùng hơn bánh xe bò. Cho nên đừng áp đặt suy nghĩ kiểu người lớn khi nào là lúc thích hợp để khóc. Bởi với bé, mọi lúc mọi nơi đều thích hợp để khóc.
Tóm lại, khóc là một đặc quyền của bé biểu lộ cảm xúc, đòi hỏi, ý kiến. Vì vậy, không có lí do gì để bạn phải ngăn cản điều tự nhiên này xảy ra. Nhưng trong lúc bé khóc, chúng ta nên nói gì?
Những điều ba mẹ NÊN nói khi bé khóc
- Mẹ đang lắng nghe con.
- Hãy kể mẹ nghe chuyện gì vây.
- Việc này khó với con lắm ư?
- Chuyện ấy đáng sợ/ thất vọng/ tệ lắm hả con?
- Không công bằng với con hả?
- Mẹ ở bên cạnh con đây.
Hoặc đơn gỉan nhất là không nói gì cả. Đôi lúc việc im lặng tạo ra sự dễ chịu ở những tình huống khó xử thế này gấp nhiều lần.
Những điều trên tưởng chừng như đơn giản nhưng thật chất rất rất khó để tạo thành thói quen, để có thể bình tĩnh trong mọi tình huống. Bản thân mình cũng có nhiều lúc không thèm quan tâm vì sao Silk khóc, chỉ muốn ra lệnh “Nín đi” để được yên tĩnh đôi phút sau một ngày làm việc. Vì vậy chúng ta cần không ngừng học hỏi và cố gắng từng ngày để trở thành ông bố bà mẹ tốt hơn.
Những điều ba mẹ KHÔNG nên làm khi bé khóc
Không gây xao lãng
Không biết ở đây có bạn nào từng tìm cách đánh trống lãng để bé quên việc bé đang khóc chưa. Ví dụ những cách gây xao lãng như “Á! Con gì kìa! hay Mẹ đâu? Ba đâu?” để bé quên đi mất lý do bé khóc.
Khi bạn gây xao lãng một đứa trẻ ra khỏi cảm xúc của bé bằng những thứ không liên quan, bạn sẽ mất cơ hội kết nối và không giúp bé học được cách thể hiện cảm xúc của mình. Đồng thời, bạn cũng gửi đi một tín hiệu tiêu cực là cảm xúc của bé không hề quan trọng hoặc quá tầm kiểm soát của bạn. Đây là hành động cho thấy bạn không tôn trọng bé.
Bạn cứ thử tưởng tượng bạn đang đau buồn và chia sẻ với một người bạn nhưng người ấy lại nói về đề tài con chó cưng mới ở nhà. Vậy thì lần sau bạn còn muốn chia sẻ với người đó điều gì nữa không. Bé cũng vậy! Đừng nghĩ bé còn quá nhỏ để cảm nhận được sự coi thường. Do đó, đừng tìm cách gây xao lãng cảm xúc của người khác bằng những thứ không liên quan.
Không xử phạt
Một người cha người mẹ mẫu mực không phạt thưởng tuỳ hứng lung tung. Không ít lần mình đi chợ thấy cảnh một người mẹ nắm tay em bé phía sau theo cùng. Mẹ đi nhanh, bé đi chậm. Bé trợt té, mẹ không quay sang hỏi han gì cả mà còn đánh vào mông! Vậy là sao?!
Không bao giờ xử phạt, đe doạ, lên án, phán xét cảm xúc của bé bạn nhé! Hãy luôn là người bạn lắng nghe, thấu hiểu, hỗ trợ khi bé cần.
Không hỏi quá nhiều câu hỏi
Bạn có muốn trả lời thật nhiều câu hỏi của người khác khi bạn buồn không? Bé đã đủ mệt với những cảm xúc lẫn lộn trong lòng rồi. Do đó, hãy lắng nghe trước rồi thắc mắc sau nhé!
Người lớn chúng ta quá bận rộn sau một ngày làm việc dài. Đôi khi chúng ta quên lãng những việc đơn giản nhưng tác dụng vô cùng to lớn với bé như đọc truyện, chơi đồ hàng, ôm, hôn, lắng nghe, tâm sự…Hành động tuy nhỏ nhưng lại đem đến sự kết nối mạnh mẽ với bé, thắt chặt thêm tình cảm gia đình. Vì vậy, hãy bình tĩnh quan sát, lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc của con đặc biệt khi bé khóc bạn nhé.
Để lại một bình luận