Khoảng thời gian gần đây, mình khá buồn bực trước thái độ hành xử bất thường của Silk. Từ một cô gái nhỏ ngoan ngoãn, tinh nghịch và hơi cá tính, Silk trở lì lợm, khó bảo, cãi lời, chống đối, vô lễ với người lớn và ích kỷ.
Gia đình ai cũng đau đầu, tức tối trước phiên bản “Silk hư hỏng”. Nhiều lúc mất kiềm chế, mình quát mắng rồi giơ tay đánh con rồi tối đến lại ôm con vào lòng vỗ về. Nhiều lúc quá áp lực căng thẳng, mình bật khóc. Bởi đó không phải là con người của Silk mình biết và cũng không phải cách đối xử với con thường ngày của mình .
Ban đầu, mình cứ nghĩ có gì đó sai trái xảy đến với Silk mà mình không được biết. Với bản năng làm mẹ, mình nhìn lại tất cả mọi thứ xung quanh con, từ nếp ăn ngủ, từ việc thay đổi trường mới, từ các cuộc nói chuyện giữa ba mẹ và Silk. Chậm rãi quan sát con từ xa, nghiên cứu và cả nhờ sự tư vấn từ thầy cô giáo, mình mới ngả ngửa nhận ra: “Silk sắp được 3 tuổi và cô ấy đang trong giai đoạn KHỦNG HOẢNG TUỔI LÊN 3”.
Nghe có vẻ vớ vẩn nhưng đó lại là vấn nạn nghiêm trọng mà ba mẹ cần quan tâm khi bé bước vào tuổi muốn thể hiện cái tôi nhỏ bé của mình. Ai nói qua tuổi bồng bế, cho bú là khoẻ. Công cuộc nuôi con lớn, dạy con ngoan là sự nghiệp trồng người cả đời. Hết nạn này rồi sẽ đến nạn khác mà thôi. Mỗi giai đoạn phát triển của bé đều phát sinh những vấn đề riêng, không trùng lập.
Không phải các bạn đọc xong bài viết này là thoát nạn tuổi lên 3, cũng không phải học được cách trừng phạt bé. Mình cũng giống như bao bà mẹ khác, yêu con hết lòng, muốn hiểu con, muốn đem đến những gì tốt đẹp nhất cho con. Mình chỉ muốn chia sẻ với các bạn những nghiên cứu cũng như lời khuyên chân thật mình thu thập được để cùng nhau vượt qua khủng hoảng tuổi lên 3.
Tại sao bé lại khủng hoảng tuổi lên 3
Ở tuổi lên 3, bé có biểu hiện mong muốn thể hiện tính độc lập của bản thân vì vậy bé thường ngoan cố, có những phản ứng đối với những quyết định của chính mình…
Ở độ tuổi này, khả năng nhận thức của bé bắt đầu phát triển rõ rệt. Trẻ biết phân biệt giữa con gái – con trai, biết ba là nam giới – mẹ là nữ giới, biết ý thức về bản thân và bắt đầu nảy sinh những hành động khác với bình thường chỉ để nhằm mục đích khẳng định cái tôi nhỏ bé của mình.
Bé thích được khen hơn bị chê, trẻ thích tự ăn hơn được mẹ đút, trẻ thích tự chọn đồ mặc mỗi khi ra ngoài cùng ba mẹ…
Khủng hoảng kéo dài bao lâu?
Thường khủng hoảng mầm non này sẽ kéo dài từ nửa năm cuối của 3 tuổi đến nửa năm đầu của 4 tuổi. Thời gian có dài hoặc ngắn hơn tuỳ vào tính cách từng bé.
Biểu hiện khủng hoảng tuổi lên 3
Có thể, mỗi bé trải qua thời kỳ khủng hoảng tuổi lên 3 với những biểu hiện khác nhau, nhưng chung quy lại đều tập hợp ở những biểu hiện sau:
- Phản ứng tiêu cực: Bé nói “không” với mọi thứ ba mẹ yêu cầu (không ăn, không uống, không ngủ, không thay đổ, không cất đồ chơi, không tắt tivi…).
- Bướng bỉnh: Bé thích làm theo ý mình dù bé biết điều đó là không đúng, ba mẹ không thích, bản thân bé cũng không thích nhưng nhất quyết làm cho bằng được, chỉ vì tính hiếu thắng (mặc quần áo dài khi trời nóng hoặc ngược lại, không mang nón khi ra đường…).
- Chống đối: Bé luôn muốn làm trái lại lời ba mẹ hoặc thích làm những điều bị ngăn cấm. Khi không đạt được điều mong muốn, bé phản kháng bằng cách khóc lóc, gào thét, mè nheo… để đạt được mục đích.
- Vô lễ với người lớn: một số bé có biểu hiện đánh, nhéo hoặc nói vô lễ với người lớn.ư
- Hiếu thắng và ích kỷ: không chia sẻ với ai đồ chơi, muốn mọi thứ thuộc về mình…
Silk là sự tổng hợp của tất cả các yếu tố trên. Ôi trời!!!!! Cô ấy thay đổi chóng mặt đến mức mình không nhận ra công chúa nhỏ của mình. Mình rơi vào bế tắc. Không thể cứ mắng, cứ đánh, cứ phạt con là hữu hiệu, đặc biệt với một người không thích bạo lực như mình. Và đó cũng không phải là giải pháp lâu dài cho thời kì khủng hoảng này.
Biện pháp cho khủng hoảng tuổi lên 3
Trò chuyện
Hãy bắt đầu mọi thứ bằng việc trò chuyện với trẻ nhỏ. Bạn hãy chọn một thời điểm thoải mái cho cả bạn và bé như giờ đọc truyện trước khi ngủ.
Bạn hãy nhìn vào mắt bé để khiến bé tập trung hơn và hỏi nhẹ nhàng, giải thích những điều phải trái, đâu là của mình, đâu là của bạn, hành động nào là sai, hành động nào là đúng để trẻ hiểu. Tránh thái độ tiêu cự cho rằng bé tham lam, hư đốn, không ngoan. Với việc tâm sự thế này, bạn sẽ hiểu được tâm tư và tính cách của bé hơn.
Kiềm chế
Kiềm chế, kiềm chế và kiếm chế. Việc này khó lắm, không hề dễ dàng đâu. Khi bé bắt đầu trở nên quá vô lý, đòi hỏi, quát nạt, la hét và khóc điên dại, dù bạn đã hết lời giải thích nhưng vẫn không lắng nghe, thường lúc ấy mẹ sẽ muốn “phát điên” lên. Bạn sẽ muốn “đông tay động chân” với bé ngay lập tức.
Trong tình huống căng thẳng như thế, bạn hãy để bé quấy khóc và im lặng bỏ đi chỗ khác. Bạn có thể đi uống một ly nước hoặc làm công việc khác như mình là đi nấu ăn hoặc tưới cây. Khi cả hai đều bình tĩnh và kiềm chế cảm xúc, bạn hãy quay lại trò chuyện cùng bé.
Nghiêm khắc
Nếu thật sự những đòi hỏi của bé quá phi lý, không thoả đáng thì bạn và gia đình nên nghiêm khắc từ chối, nhất quyết không chiều theo ý bé. Trước đó phải giải thích cho trẻ hiểu lý do vì sao người lớn không chấp nhận ý muốn của trẻ để tránh việc trẻ chống đối lại người lớn.
Trừng phạt
Đỉnh cao của giải quyết khủng hoảng là đưa ra hình thức trừng phạt phù hợp. Bạn hãy ra hình phạt đúng lúc và đúng chỗ, đánh trúng những thứ con yêu thích và kiên quyết thực hiện nhất quán.
Ví dụ, Silk rất thích đọc sách và xem tivi. Khi cô ấy không ngoan, mình thường đưa ra hình phạt: “Silk không được đọc truyện trước khi đi ngủ hoặc không được xem tivi cả ngày”. Khi Silk biết khoanh tay nhận lỗi thì mình vẫn phải kiên quyết thực hiện đúng hình phạt cho đến khi hết thời hạn hiệu lực.
Ví dụ: Cuối ngày mình sẽ nói với Silk: “Mẹ thấy con tạm thời ngoan hơn rồi đấy! Con đừng làm abc sai nữa nhé. Giờ con có thể đọc truyện trước khi ngủ cùng mẹ”.
Không chỉ trẻ nhỏ mà người lớn chúng ta cũng trải qua những thời kỳ khủng hoảng nhất định. Không biết mẹ Silk có phải đối mặt với khủng hoảng tuổi 30 không haha. Một chút chia sẻ nho nhỏ hi vọng có thể giúp ích các mẹ thấu hiểu và tìm ra giải pháp cùng con vượt qua khủng hoảng tuổi lên 3 nhé.
Để lại một bình luận