Câu hỏi quen thuộc mà tất cả phụ nữ chúng ta đều quan tâm đó là:”Làm thế nào cân bằng được giữa gia đình và công việc”. Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao đàn ông phái mạnh không bao giờ lăn tăn một chút suy tư nào về điều này không? Vì bọn họ thường “éo” bao giờ phải tìm kiếm sự cân bằng đó cả.
Trời ạ?! Tại sao? Tại sao vậy? Tại sao phụ nữ chúng ta phải gánh vác nhiều thứ lên đôi vai nhỏ bé như vậy. Hãy quay ngược thời gian trở về thời “cưa cẩm” lẫn nhau, thời tình yêu đôi lứa ngọt ngào như trái chín. Lúc ấy bạn như một nữ hoàng, được chiều chuộng, được yêu thương, được đưa đón, được tặng hoa quà mà không phải đến dịp. Tuyệt vời ha!
Rồi chúng ta kết hôn với người đàn ông của đời mình. Nếu may mắn, bạn sẽ gặp một người trước sau như một, chân thật, đúng y như con người thật của anh ấy mà bạn đã từng yêu. Rồi các bạn mang bầu. Những đứa con luôn là món quà tình yêu quý giá.
Bạn mang bầu. À há. Nếu bạn là người có đam mê, bạn yêu việc mình đang làm, bạn có cảm thấy buồn nhẹ khi mọi thứ đang diễn ra rất tốt đẹp bỗng dưng bị gián đoạn. Bạn phải mất ít nhất một năm cho việc sinh con và nuôi con sữa mẹ ít nhất sáu tháng đầu rồi mới quay lại được với công việc. Thêm vào đó, thân hình mập mạp, rệu rạo, đâu đó lấp ló những vết rạn da, cặp mông to phụng phịu, ngực thì lúc nào cũng sắp bùng nổ, vòng eo thì thôi bỏ qua đi nhé. Đó là cái giá của sự hạnh phúc, là kết quả hôn nhân.
Là một huấn luyện viên yoga, quyết định có con là một quyết định rất to lớn đối với mình. Tất cả mọi thứ từ phòng tập, học viên, lịch dạy đều rất hoàn hảo với mình trong thời điểm hiện tại. Nếu mình để có thai, nỗi buồn đầu tiên trong ba tháng đầu là mình không được tập luyện. Điều đó giống như sống chỉ còn một nửa cuộc đời, chết một nửa đam mê. Rồi ba tháng giữa, mình vẫn có thể tập yoga bầu. Nhưng khi ba tháng cuối ập đến, mình không thể đứng lớp được nữa, chết luôn cả nửa cuộc đời còn lại.
Và sau khi sinh con, mình sẽ mất ít nhất một năm để hồi phục, để hoàn thành sứ mệnh “bò sữa”, để lấy lại vóc dáng, để tập luyện trở lại và sau đó một thời gian mới quay lại với công việc.
Ối trời! Chúng ta đánh đổi nhiều thứ như vậy, để đem đến cho cuộc đời này một mầm sống mới, một thành viên mới trong gia đình, sợi dây nối kết giữa bạn và bạn đời.
Nhưng đáng ngạc nhiên thay, trong suốt khoảng thời gian một năm rưỡi ấy, khi bạn phải chịu đựng với sự tăng trưởng hormone khủng khiếp khi bầu bì, chịu chứng trầm cảm và áp lực sau sinh thì anh chồng vẫn không phải mất mát gì lớn lao cả. Họ vẫn đi làm mỗi ngày, gặp gỡ bạn bè, đeo đuổi đam mê, thực hiện sở thích mỗi ngày mà không bị quá nhiều gián đoạn.
Điều này không có nghĩa phủ định sạch trơn công sức của những ông bố đêm đêm thức 80 lần để dậy ru con, rửa bình sữa và cho con bú thay mẹ. Nhưng nhiều đó cũng đủ thấy phụ nữ chúng ta vẫn phải gánh vác trách nhiệm nặng nề như thế nào trong cuộc đời này.
Khi con lớn, bạn đừng nghĩ sẽ được “yên thân”. Dĩ nhiên, bạn sẽ có dư dả một chút thời gian hơn cho bản thân nhưng vẫn những gánh nặng cơm nước, dọn dẹp, gạo tiền đè trên đôi vai phụ nữ. Nhiều người biện minh cho sự bất công này: “Bởi đó là thiên chức của người phụ nữ, phụ nữ phải biết hi sinh“.
Có một sự bất bình đẳng nghiêm trọng vẫn tồn tại qua nhiều thế kỉ và qua nhiều thế hệ giữa phụ nữ và đàn ông. Chúng ta tại sao luôn phải là người hi sinh, tại sao luôn phải làm tròn nghĩa vụ với nhiều phía đến thế?! Gia đình và xã hội?
Điều đáng buồn cười là khi bạn làm một tỉ việc mỗi ngày nào đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp, chăm sóc con cái, kiếm tiền…thì không một ai khen tặng hay tuyên dương bạn cả. Nhưng nếu chồng bạn bước vào bếp và rửa chén một lần thì sẽ được ca tụng, tâng bốc thành người đàn ông của thế kỉ. Trời ạ, chuyện gì đang diễn ra với xã hội này vậy.
Do đó, đừng im lặng, đừng mãi chịu đựng, hãy nói ra, hãy giải tỏa những căng thăng mà bạn đang mang vác với người bạn đời của bạn. Như mình đã có một cuộc nói chuyện thật sự nghiêm túc với ba Silk về những gì mình đang cảm thấy. Công việc nhà chồng chất, công việc bận rộn và sự hờ hững, đôi chút thiếu quan tâm của người ấy. Tụi mình đã ngồi xuống và nói hết với nhau, để tìm ra giải pháp chung, để cuộc sống hôn nhân thoải mái và hạnh phúc hơn.
Như em giặt đồ thì anh phơi. Như em quét nhà thì anh lau. Như em nấu cơm thì anh rửa chén. Như em đọc sách thì anh trông con. Sự phân công tưởng chừng rất nhỏ này nhưng lại đem đến cảm giác công bằng, cảm giác được tôn trọng, được thấu hiểu, được chia sẻ. Và đó là nền tảng hạnh phúc gia đình. Đừng tìm kiếm sự cân bằng đâu xa mà hãy tổ chức nó từ chính trong ngôi nhà nhỏ bé của bạn.
Nhiều cặp vợ chồng cảm giác không có nhiều đề tài để nói chuyện với nhau từ sau có con. Đó là mối nguy hại lớn đến hạnh phúc gia đình của bạn. Bởi chính sự giao tiếp bằng ngôn ngữ, bằng cơ thể sẽ khiến hai bạn hiểu về nhau hơn. Đừng để “tức nước vỡ bờ” rồi mới thảo luận. Quá muộn!
Hãy mạnh mẽ đòi hỏi sự công bằng, bình đẳng để tìm thấy sự bình yên và cân bằng trong cuộc sống.
Chúc phụ nữ chúng ta luôn tìm thấy hạnh phúc 😉
Mẹ Silk.
Để lại một bình luận