Trước khi sinh mình cũng tham khảo rất nhiều website hướng dẫn chuẩn bị những vật dụng đem theo khi sắp đến thời điểm “vượt cạn”. Do sinh con đầu lòng, chưa có nhiều kinh nghiệm nên mình cũng thành “nạn nhân” đem đi một số thứ không cần thiết được liệt kê tràn lan trên mạng. Vì vậy mình muốn viết một bài chia sẻ nho nhỏ kinh nghiệm để các bạn có thể chọn lọc những thứ cần thiết nhé 😉
Àh mà sẵn tiện khoe luôn, tháng 8 vừa rồi, mình may mắn sinh thường được bé gái kháu khỉnh trộm vía nặng 3kg2. Silk nhà mình hiện tại được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ. Mình đang cố gắng từng ngày để đem lại những gì tốt nhất cho con. Chúc các bạn đã và đang và sắp làm mẹ luôn hạnh phúc bên thiên thần nhỏ của mình nha. Trong phần một mình sẽ đề cập chính những thứ chuẩn bị cho bé trước. Về phần mẹ, mình sẽ chia sẻ tiếp trong các bài viết tiếp theo ha.
[extoc]I. Vật dụng cần thiết cho bé
1. Áo sơ sinh
Việc đầu tiên mình xin lưu ý với các mẹ là “áo sơ sinh” được nhắc đến ở đây là áo gài nút lệch một bên dành cho trẻ sơ sinh (hay còn gọi là áo bác sĩ) bằng chất liệu cotton mềm và thoáng mát, tay dài hoặc ngắn đều được.
Những thể loại khác như bodysuit (dạng áo liền quần, trồng cổ) hoặc áo sơ sinh có nút cài giữa được bác sĩ khuyên không nên dùng cho bé sơ sinh vì hai lí do 1. cổ bé rất mềm và yếu 2. nút gài giữa có thể cọ quẹt vào rốn gây nhiễm trùng.
Mình chia sẻ điều này cũng xuất phát từ kinh nghiệm bản thân. Với tâm lý thương con- đặc biệt con đầu lòng, các bà mẹ thường sa đà mua rất nhiều quần áo newborn cho trẻ nhưng không phải tất cả đều phù hợp cho giai đoạn mới sinh. Bodysuit hoặc những thể loại áo trồng cổ hoặc gài nút giữa các bạn có thể sử dụng khi bé đã rụng rốn hoặc cứng cáp ở tháng thứ hai hoặc ba. Ngoài ra trẻ rất mau lớn nên các bạn nên mua lệch size vừa thoải mái cho bé vừa tiết kiệm cho mẹ nhé!
Tuỳ theo hình thức sinh và số ngày nhập viện mà bạn chuẩn bị áo sơ sinh cho bé phù hợp. Trung bình một ngày bé có thể được thay từ một đến hai áo vì trẻ mới sinh ị tè rất nhiều lần. Vì vậy mà mà mẹ cứ chuẩn bị áo theo số ngày ở bệnh viện dự phòng thêm 1-2 áo là được nhé 😉
Mình sinh thường tại bệnh viện Hạnh Phúc – tỉnh Bình Dương. Bác sĩ chỉ giữ mẹ và bé hai ngày để theo dõi đối với sinh thường. Tuy nhiên bé Silk của mình sinh ra bị chuẩn đoán là vàng da nhẹ nên giữ lại thêm hai ngày nữa. May mắn là mình chuẩn bị sẵn khoảng 5-6 áo bác sĩ cho con. Nếu bạn chọn bệnh viện phụ sản Hạnh Phúc làm nơi sinh thì bệnh viện đều tặng cho mỗi bé khi sinh tại đây một set áo và nón dự phòng.
2. Nón và bao tay bao chân
Dựa vào số áo mà mẹ chuẩn bị nón và bao tay bao chân tương đương nhé!
Lưu ý nhỏ cho các mẹ là đối với bao tay bao chân, mẹ nên chịu khó lộn hết mặt trái ra ngoài, cắt sạch chỉ thừa sót lại nhằm bảo đảm an toàn cho bé, tránh trường hợp ngón tay hoặc chân vướng vào chỉ gây hoại tử thì nguy to. Hành động nhỏ xíu vậy thôi nhưng vô cần cần thiết!
Về phần nón, bạn nên lựa chọn những loại nón với kích thước từ 0-3 tháng, chất liệu mềm mại, không ôm sát đầu bé quá gây khó chịu cũng như tổn thương đối với cơ thể mềm yếu của trẻ sơ sinh. Tương tự các mẹ cũng cắt hết tag nón không cần thiết bên trong nhé!
3. Khăn quấn
Theo kinh nghiệm của mình, các mẹ nên chuẩn bị ít nhất 1-2 chiếc khăn dày, chiều dài khoảng 1m để quấn em khi xuất viện. Còn khi ở bệnh viện, các bạn chỉ cần chuẩn bị khăn với độ dày và kích thước vừa phải, tránh gây cho bé quá nóng nực! Lượng khăn tương đương với lượng áo bạn nhé!
Đối với các bạn có ý định sinh tại Hạnh Phúc, mình lưu ý nên chuẩn bị dư dả khăn quấn em bé vì bệnh viện không hỗ trợ cho mượn nếu bạn thiếu. Còn nếu bạn mua khăn mới thêm thì sẽ không kịp để giặt giũ phơi khô cho con dùng.
4. Tả dán/ tả quần
Mình nhấn mạnh là tả dán hoặc tả quần cho các bạn dễ hình dung, tránh nhầm lẫn với miếng lót sơ sinh. Vì em bé mới sinh dây rốn chưa rụng, các mẹ không nên sử dụng miếng lót sơ sinh dán vào quần vải cho con rất dễ gây nhiễm trùng cho bé.
Mặt khác, tả quần/ tả dán dù mang sẽ không thoáng bằng miếng lót nhưng có tính thấm hút cao hơn, giúp bé ngủ ngon hơn vào ban đêm.
Các bạn nên chuẩn bị tả loại mềm cho bé. Trẻ sơ sinh có thể ị tè khoảng 12 lần một ngày. Theo mình các bạn đem luôn cả gói tả khoảng 50 cái cho tiện. Lưu ý nhỏ là Bệnh viện Hạnh Phúc có tặng một gói tả newborn dùng được trong hai ngày. Các bạn có thể chuẩn bị thêm tuỳ thích.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại tả khác nhau, giá thành đa dạng với nhiều thương hiệu phong phú. Bobby giá khá mềm nhưng giấy hơi cứng. Mình đang dùng thử hiệu Goon, Moony và Merries của Nhật và thấy chất lượng khá tốt. Tả mềm mịn thấm hút tốt nên bé nhà mình rất thích.
5. Khăn sữa
Các mẹ chuẩn bị từ 10-20 cái nhé! Khăn sữa xài rất hao, vừa lau cho bé vừa lau vú cho mẹ.
II. Vật dụng “không cần và không nên” đem theo
Dưới đây là mình xin liệt kê ra một số vật dụng theo mình là không cần thiết cho bé khi đi sinh
1. Bình sữa và sữa bột
Vì mình chủ trương nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên nên mình không đem theo sữa bột/ sữa công thức cũng như bình sữa. Nếu các bạn e dè về việc không đủ sữa cho con trong những ngày đầu sau sinh, đừng tự ti và lo lắng! Hãy cho con bú theo nhu cầu của con, cho con bú càng nhiều thì sữa sẽ về càng nhanh. Đặc biệt là sữa non vô cùng quý giá chỉ xuất hiện trong 72 giờ đầu tiên sau khi sinh. Các bạn phải cố gắng cho con bú được sữa non này để tăng hệ miễn dịch của con. Tránh sử dụng sữa công thức tráng ruột trẻ sơ sinh, gây hiện tượng “hở ruột” và giảm khả năng miễn dịch.
Các bạn có thể tham khảo thêm sách “68 ngộ nhận và giác ngộ nuôi con bằng sữa mẹ” của thạc sĩ Lê Nhất Phương Hồng, chuyên gia Betibuti. Đây là cuốn sách gối đầu giường của mình, là người bạn đồng hành tiếp thêm sức mạnh cho mình nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ.
2. Ly nước nhỏ và muỗng cho trẻ sơ sinh
Nếu trẻ bú sữa mẹ thì sữa mẹ đã là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhất, không cần bổ sung nước ở ngoài đâu các bạn. Các bạn cần gạt bỏ những ngộ nhận sai lầm xa xưa để nuôi con đúng cách.
3. Băng rốn
Do sinh con đầu lòng, chưa nhiều kinh nghiệm, mình cũng chuẩn bị sẵn luôn băng quấn rốn cho bé. Đến khi sinh xong, mình mới được bác sĩ khuyến cáo là không nên dùng băng rốn cho trẻ. Hiện nay, rốn em bé sau khi cắt xong được để tự nhiên thông thoáng cho mau khô và không bị nhiễm trùng. Vì vậy băng rốn là vật dụng không cần thiết.
4. Rơ lưỡi và dụng cụ ráy tai
Trẻ sơ sinh chưa cần thiết rơ lưỡi và ráy tai khi ở bệnh viện các bạn nhé. Các bạn có thể vệ sinh cho con sau khi xuất viện. Theo mình tốt nhất một tuần đầu các bạn nên mướn một cô hộ sinh tắm bé để sau đó học và tự tắm cho con cũng như cách vệ sinh an toàn cho trẻ sơ sinh.
Mình hi vọng một chút chia sẻ nho nhỏ này có thể hữu ích cho các bà mẹ bớt phần nào lo lắng khi chuẩn bị hành trang những ngày đầu sau sinh cho bé. Chúc các bạn có một cuộc vượt cạn thành công và cảm nhận niềm hạnh phúc bên cạnh thiên thần nhỏ của mình nhe!
Tú
Thảo nào dạo này không thấy anh chị viết bài về du lịch nữa, hóa ra ở nhà sinh em bé :3