Sáu tháng đầu đời là khoảng thời gian tối thiểu trẻ sơ sinh nên được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ vì không có gì tốt hơn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bằng sữa mẹ. Sau sáu tháng, mẹ có thể bắt đầu tập cho bé ăn dặm khi bé có các tín hiệu sẵn sàng cho giai đoạn chuyển giao mới. Điều này mình đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trong hai phần chia sẻ kinh nghiệm tập bé ăn dặm ở các bài viết trước, các bạn tham khảo thêm nhé.
Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là bên cạnh những ngộ nhận sai lầm phổ biến về việc nuôi con sữa mẹ, cha mẹ Việt còn mắc phải những tư tưởng xưa cũ, những truyền thuyết lệch lạc về phương pháp ăn dặm bé chỉ huy – BLW (“Baby Lead Weaning”). Là một người mẹ thành công trong công cuộc BLW, mình muốn chia sẻ một số kinh nghiệm cũng như giải đáp những vướng mắc, boăn khoăn và các hiểu lầm tai hại thường gặp về BLW.
Mách nhỏ với các bạn mong muốn tập con theo phương pháp BLW thì nhất định đừng bỏ qua Sách “Ăn dặm không phải là cuộc chiến”nhé!
I. BLW là gì?
Tham khảo bài viết bên dưới để tìm hiểu về phương pháp ăn dặm BLW
II. Các truyền thuyết ăn dặm BLW
a. Ăn thô thế hại dạ dày, thủng bao tử
Đa phần khi được nghe về phương pháp ăn dặm bé chỉ huy, mọi người ngay lập tức hốt hoảng la lên:”Ăn thế hại dạ dày đấy”, kinh khủng hơn người ta còn nghỉ “ăn thô như vậy làm thủng bao tử”
Những hiểu lầm tai hại và trầm trọng này thường thấy ở cha mẹ Việt Nam hoặc từ ông bà thế hệ trước. Truyền thuyết này dần trở thành rào cản khiến nhiều gia đình dù nhận thấy ích lợi của BLW nhưng vẫn quyết định không tập cho con. Bản thân mình cũng đã từng nghi hoặc y chang như vậy khi nghe đến việc cho trẻ sơ sinh tập ăn thô từ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thật kĩ về BLW, mình hoàn toàn yên tâm và tin tưởng vào khả năng của con, dẹp bỏ mọi dư luận và kiên trì tập Silk ăn dặm theo BLW.
Đầu tiên mình sẽ nói sơ qua về quá trình tiêu hoá để mọi người cái nhìn tổng quát. Quá trình tiêu hoá bắt đầu với khoang miệng (gồm lưỡi răng) làm nhiệm vụ nhai và nuốt thức ăn, tiếp đến nhờ cuống họng thức ăn sẽ vào thực quản. Thực quản sẽ vận chuyển thức ăn từ cuống họng xuống dạ dày. Dạ dày dẫn đến ruột non và cuối cùng là ruột già. Như vậy, trước khi đến dạ dày, thức ăn đã được làm nhỏ và tiêu hoá phần nào ở miệng.
Sự thật là ăn thô không hại cho dạ dày mà còn giúp cho dạ dày và ruột của bé hoạt động hiệu quả hơn
Bởi khi bé ăn thức ăn thô, bé sẽ phải nhai để vừa làm nhỏ thức ăn vừa trộn nước bọt vào thức ăn tức là trộn amylase vào thức ăn hỗ trợ cho dạ dày co bóp. Bạn nghĩ rằng bạn cho con ăn lõng, nhuyễn là giúp con tiêu hoá dễ dàng hơn nhưng thực tế lại làm cho ruột quá tải vì thức ăn không được trộn men tiêu hoá một cách tự nhiên. Đối với thức ăn nhuyễn, bé sẽ chỉ cần nuốt chứ không nhai, không tiết ra dịch vị. Dạ dày không cần co bóp nhiều nên cũng giảm lượng dịch vị trộn vào thức ăn.
Việc ăn thức ăn nghiền nhuyễn kéo dài dẫn đến các tuyến dịch trong cơ thể giảm tiết dịch và kéo theo hậu quả bé CHÁN ĂN
Mẹ thấy bé chán ăn lại cho uống men tiêu hoá bổ sung, rồi cho ăn nghiền nhuyễn tiếp. Khi dừng thuốc, bé lại chán ăn trở lại vì bản thân bé đã quen với việc không tự tạo ra men tiêu hoá tự nhiên. Cái vòng luẩn quẩn chán ăn kéo dài vô tận chỉ bởi mẹ cho ăn thiếu khoa học. Như vậy việc cho rằng ăn thô hại dạ dày, thủng bao tử là một truyền thuyết sai không tưởng mà mọi người đều ngộ nhận.
b. Không có răng sao nhai được
Đây là câu hỏi mình nghe một tỉ lần khi bắt đầu tập BLW cho Silk. Nhiều người cho rằng khi bé mọc răng thì mới sẵn sàng tập ăn dặm theo phương pháp BLW. Hoặc bé mọc đủ răng hàm mới có thể ăn cơm. Vì những ngộ nhận sai lầm này mà rất nhiều trẻ đều được ăn cháo loãng, cơm nghiền cho tới ít nhất 2 tuổi – thời điểm bé mọc gần đủ răng.
Ngoài việc hệ tiêu hoá không đủ men tiêu hoá cần thiết để hấp thụ thức ăn gây BIẾNG ĂN, việc nuốt vô thức thức ăn nghiền nhuyễn trong thời gian dài còn khiến trẻ dễ bị oẹ, sặc, thậm chí hóc khi ăn thức ăn thô.
Khoa học chứng minh rằng RĂNG chỉ là một trong những công cụ để nhai mà thôi. Động tác nhai thật ra là sự phối hợp giữa lưỡi và các cơ trong miệng. Phản xạ nhai của bé đã xuất hiện từ lúc 7 tháng đến 1 tuổi. Nếu thời điểm 1 tuổi mà bé vẫn không được tập nhai thì phản xạ tự nhiên này sẽ mất đi, tới lúc đó việc nhiều hay ít răng không còn quan trọng nữa, vì răng nếu không có sự điều khiển của não bộ và các cơ thì cũng là “hàng trưng bày” thôi.
Nếu không tin điều này, các mẹ cứ thử đưa ngón tay vào miệng con mình lúc 7 tháng tuổi hoặc cho bé gặm một vật mềm xem bé có nhai nát ngón tay bạn/ đồ chơi không nhé! Việc này mình không hề dám thử với Silk nhà mình. Silk đã nhai điên cuồng mọi thứ từ lúc 5 tháng tuổi mà không có bất cứ cây răng nào!
Không có răng bé nhai bằng lợi vẫn lợi hại vô cùng
c. Ăn nhạt vậy sao ăn được
Quan niệm cho thêm đường và muối vào thức ăn dặm để trẻ ăn ngon miệng hơn là một quan niệm sai lầm cực kì phổ biến ở Việt Nam. Bởi đa phần ai cũng nghĩ hoàn toàn vô hại khi nêm một chút đường chút muối thậm chí là nước mắm vào thức ăn tự nấu, hoặc cho trẻ ăn cháo/bột đóng hôp, sữa chua có đường, nước ngọt, kẹo…Tuy nhiên, việc làm này là thủ phạm gây ra vô số căn bệnh tiềm ẩn sau này cho bé.
Lượng muối mà cơ thể trẻ cần trong ngày rất ít: dưới 12 tháng tuổi ít hơn 1g muối/ngày, 1-3 tuổi khoảng 2g muối/ngày và trên 4 tuổi chỉ cần khoảng 4g muối/ ngày. Bạn có biết trong SỮA MẸ và các thực phẩm tự nhiên như ngũ cốc, trái cây, thịt cá, rau tươi đã có chứa một hàm lượng muối nhất định. Do vậy việc nêm nếm muối vào thức ăn của trẻ nhỏ là hoàn toàn không cần thiết. Hệ luỵ của việc cho bé ăn nhiều muối quá sớm là giảm chức năng bài tiết, nguy cơ suy thận, tăng nguy cơ tim mạch và cao huyết áp…
Về đường, mình xin nhấn mạnh “vị ngọt mà bé chọn” là đường tự nhiên, đường trong SỮA MẸ, trong các thực phẩm tự nhiên chứ không phải là đường kính tinh luyện mà người lớn chúng ta ăn mỗi ngày đâu bạn nhé. Nếu bạn cho con ăn đường phụ gia quá sớm, bé về sau sẽ dễ bị sâu răng, béo phì, tăng nguy cơ tiểu đường…
Mình đã từng kiên quyết đấu tranh một khoảng thời gian dài để không bị nêm nếm bất cứ thứ gì vào thức ăn của con. Đến tận thời điểm này, Silk được 1 tuổi vẫn không ăn một chút xíu gia vị nào, hấp thụ muối và đường hoàn toàn từ thực phẩm tự nhiên.
Vì vậy, bạn hãy cố gắng duy trì thói quen “ăn nhạt” cho bé càng lâu càng tốt. Đường và muối trong thực phẩm tự nhiên vừa tốt cho sức khoẻ vừa đáp ứng đủ nhu cầu của bé.
III. Lời kết
Để nuôi con đúng đắn và khoa học, các bạn hãy là người mẹ thông thái. “Không có việc gì khó chỉ sợ lòng không bền” – đây là câu châm ngôn đã theo mình trong suốt một năm qua trong công cuộc kiên trì cho Silk bú mẹ hoàn toàn ít nhất 6 tháng đầu, tập Silk tự ngủ từ lúc 4 tháng tuổi, tập Silk ăn dặm BLW từ 7 tháng tuổi, hỗ trợ con tập lật bò trườn và đi lúc 10 tháng tuổi. Để làm được tất cả những điều trên, mình đã KIÊN TRÌ; KIÊN TRÌ và KIÊN TRÌ, đạp lên mọi dư luận, gạt bỏ mọi ngộ nhận sai lầm để đem đến những gì tốt đẹp nhất cho con.
Mình chúc các bạn đủ dũng khí, nghị lực đeo đuổi và thành công trong công cuộc nuôi con khoa học đúng đắn nhé!
Mẹ Silk
Để lại một bình luận