Như đã hứa hẹn ở Phần 1, mình tiếp tục với chuyên đề những ngộ nhận sai lầm phổ biến nhất về việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ nhé. Mục đích chính của mình là mong mỏi sẽ có nhiều bà mẹ Việt Nam hơn nữa nuôi con mình hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời bởi không ai có thể phủ nhận rằng sữa mẹ tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Tuy nhà nhà người người đều biết thế nhưng công cuộc sữa mẹ của phụ nữ Việt Nam vô cùng gian nan, bị cản trở phần lớn bởi những truyền thuyết mơ hồ về sữa mẹ và ảo tưởng về sức mạnh của sữa công thức. Mình rất tâm đắc với quyển sách “68 Ngộ nhận & Giác ngộ về nuôi con sữa mẹ” của Thạc sĩ Lê Nhất Phương Hồng. Những người mẹ thông thái nên tìm đọc để biết cách nuôi con sữa mẹ thật đúng đắn.
Trong phần 2 này, mình sẽ đi vào chi tiết hai ngộ nhận sai lầm phổ biến còn lại cho các mẹ bỉm sữa tham khảo.
III. Ngộ nhận 40: Trẻ bú mẹ thì ít bụ bẫm, có béo mới khoẻ
“Con nhà NGƯỜI TA tròn trịa bụ bẫm thế kia. Bé nhà này bú mẹ nên còi cọc, chậm tăng cân. Phải bú thêm sữa bột cho trẻ em, phải ăn dặm sớm để tăng cân nhanh cho bì kịp với con nhà hàng xóm”. Điệp khúc “bi kịch” này có phải các bạn đều nghe ra rã hằng ngày từ người lớn trong nhà, từ họ hàng, từ hàng xóm, hoặc thặm chí từ miệng lưỡi của những y bác sĩ vô trách.
Rõ ràng, quan niệm “BÉO là KHOẺ” đang là một quan niệm phổ biến sai lầm nhất trong cộng đồng chúng ta. Chính điều này đã khiến biết bao nhiêu bà mẹ trẻ tâm huyết với việc nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ phải cắn răng cho con uống dặm thêm sữa bột, để đủ chất và bụ bẫm, để thoả lòng thiên hạ!
Không có mối liên hệ nào giữa “béo” và “khoẻ”, ở cả người lớn cũng như trẻ nhỏ
Với văn hoá Việt Nam, khi hỏi thăm về một đứa trẻ, bạn sẽ được hỏi “Bé được mấy kilogam rồi?”. Trong khi đó, ở nước bạn, không ai bàn luận về vấn đề này mà sẽ hỏi “Bé đã biết được, làm được gì rồi?”.
Theo UNICEF, trẻ sơ sinh đến 5 tuổi có 5 lĩnh vực phát triển, trong đó 4 lĩnh vực về trí não, 1 lĩnh vực về thể chất. Thường những chỉ số về sự phát triển của trí não, chức năng nhận thức, tâm sinh lý thì không thể đo nhanh bằng cân nặng và chiều cao. Vì vậy, nhiều khi chúng ta lầm tưởng những chi sổ ngoài cân nặng và chiều cao là thứ yếu.
Theo khoa học chứng minh, trẻ bú mẹ 100% ít nhất 6 tháng đầu đời có não bộ phát triển hơn 30% so với trẻ không bú mẹ, đặc biệt phát triển ngôn ngữ. Ngoài ra, khi không được bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi, trẻ có nguy cơ tăng cân sớm, béo phì, huyết áp cao.
Do đó, tốt nhất, bạn nên theo dõi sự phát triển toàn diện của con dựa theo các chuẩn phát triển của WHO về vận động, nhận thức, tình cảm…Bạn có thể tra cứu các biểu đồ tiêu chuẩn WHO để biết được tình trạng phát triển hàng tháng của con mình để điều chỉnh.
Các bạn có thể tham khảo link chỉ tiêu chiều cao, cân nặng chuẩn WHO cho bé trai và bé gái dưới 5 tuổi
Tiêu chuẩn chiều cao, cân nặng chuẩn WHO
Chú thích
- TB: Đạt chuẩn trung bình
- -3SD, -2SD, -1SD: Thiếu chuẩn cấp độ 1-2-3, được xem là suy dinh dưỡng thể thiếu cân hoặc thấp còi
- +3SD, +2SD, +1SD:Trên chuẩn cấp độ 1-2-3, được xem thừa cân béo phì hoặc rất cao
Chuẩn quan trọng nhất là trẻ được bú mẹ hoàn toàn, chứ không phải là bé phải béo, bụ bẫm hơn so với những đứa trẻ cùng tuổi.
IV. Ngộ nhận 55: Cho bú mẹ sẽ làm “hư ngực” mẹ
Truyền thuyết về “những bà mẹ cho con bú trực tiếp sẽ làm ngực hư và xấu” được truyền tụng cực kì rộng rãi qua nhiều thế hệ. Vì sợ “xấu” mà nhiều bà mẹ trẻ đã quyết định cho con bú bình sớm hoặc bú sữa bột hoàn toàn để bảo toàn ngực đẹp. Điều này có đúng không hay lại là một truyền thuyết hư cấu?!
Cho con bú mẹ không phải là nguyên nhân gây teo nhỏ hoặc chảy xệ bầu vú mà là do chăm sóc bầu vú không đúng cách. Những tác động như massage quá mạnh, quá nhiều, tư thế bú không đúng cách, không mặc áo ngực hoặc mặc áo ngực không đúng cách…gây tổn thương cấu trúc nâng đỡ bầu vú, dẫn đến chảy xệ và teo nhỏ ngực.
Việc không cho con bú sau sinh khiến bầu vú thu hồi rất nhanh, nhiều khi còn nhỏ hơn bầu ngực trước khi mang thai.
Vì vậy, các mẹ đừng đỗ lỗi cho việc con bú gây hư, gây xấu ngực. Hãy xem lại cách chăm sóc ngực của mẹ đã đúng cách chưa. Việc cho con bú mẹ 100% không những cực kì tốt cho sự phát triển của con mà còn giúp ngực mẹ đầy đặn, mịn màng hơn.
Cho con bú trực tiếp lâu dài, chăm sóc bầu vú đúng cách, cai sữa khoa học không những không làm ngực chảy xệ mà còn giúp bầu vú phát triển hoàn chỉnh, hấp dẫn và cân đối hơn.
Mình đã hoàn thành xong 5 ngộ nhận sai lầm phổ biến nhất về nuôi con sữa mẹ. Các mẹ đọc xong hãy thử chiêm nghiệm qua về những gì mình phân tích. Làm mẹ ai cũng muốn đem lại những gì tốt nhất cho con mình. Để làm được điều này, chúng ta phải tỉnh táo nhận định đâu là quan niệm đúng hay sai để nuôi con tốt nhất.
Hi vọng với một chút chia sẻ nho nhỏ, các bạn sẽ có cái nhìn khách quan hơn về chặng đường nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Cảm ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài viết của mình 😁
Mình đi chăm “cục vàng” của mình đây!
Trả lời