Theo kết quả thống kê năm 2010 trên địa bàn 63 tỉnh thành Việt Nam của Viện Dinh dưỡng cho thấy, có 62% các bà mẹ cho con bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh và chỉ có 20% trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Tại sao tỉ lệ trẻ sơ sinh tại Việt Nam được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ lại thấp như vậy?! Mặc dù nhà nhà người người đều biết “Sữa mẹ tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”
Bản thân mình bây giờ cũng đã làm mẹ. Mình luôn mong muốn đem lại những gì tốt nhất cho con mình và mình hiểu tất cả những ai làm mẹ đều muốn thế. Việc các bạn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu là món quà cực kì quý giá mà bạn dành cho thiên thần nhỏ của mình. Tuy nhiên, thực tế rất nhiều bà mẹ gặp khó khăn với công cuộc sữa mẹ bởi vô vàn những định kiến, ngộ nhận sai lầm truyền miệng từ xa xưa.
Nhờ quyển sách thần kì “68 Ngộ nhận & Giác ngộ về nuôi con sữa mẹ” của Thạc sĩ Lê Nhất Phương Hồng mà mình nỗ lực nuôi Silk hoàn toàn bằng sữa mẹ đến 10 tháng tuổi. Bức xúc trước thực trạng ở Việt Nam, mình muốn lên án 5 ngộ nhận sai lầm phổ biến nhất đồng thời nêu ra quan điểm đúng đắn về việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ mà mình tâm đắc nhất.
Trích dẫn sách “68 Ngộ nhận & Giác ngộ về nuôi con sữa mẹ”
Tác giả: Thạc sĩ Lê Nhất Phương Hồng – Chuyên gia Betibuti
Giá bìa: 368.000VND
Nhận xét chung: Cẩm nang tuyệt vời cho những mẹ bỉm sữa muốn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ
I. Ngộ nhân 1: Sữa mẹ ít quá, cần ăn móng giò để lợi sữa!
Đây là ĐẠI ngộ nhận sai lầm nhất tồn tại rất lâu qua nhiều thế hệ. Bà truyền sang mẹ, mẹ truyền sang con, con truyền sang cháu…chắt…chít. Cứ thế mà món móng giò trở thành truyền thuyết không thể thiếu gắn liền với việc lợi sữa cho phụ nữ mới sinh.
May mắn thay, mình được giác ngộ khai sáng nhờ chuyên gia Lê Nhất Phương Hồng về món ăn thần thánh này. Vậy thật chất móng giò có giúp cho các mẹ mới sinh lợi sữa hay không?
Đầu tiên mình muốn nói về cơ chế sữa mẹ sản xuất như thế nào sau khi sinh trước nhé. Cơ thể người mẹ sẽ trải qua ba giai đoạn tạo sữa và một giai đoạn cai sữa cũng như 4 mùa Xuân Hạ Thu Đông.
- Giai đoạn 1: Khoảng tuần 16-20 của thai kì đến 72 giờ sau sinh, những giọt sữa non (sữa vàng) đầu tiên xuất hiện một lần duy nhất.
- Giai đoạn 2: Bắt đầu khoảng 72 giờ sau khi sinh, sữa mẹ sẽ chuyển sang màu trắng đục (sữa già). Lúc này sữa già về dồi dào, ngực mẹ lúc nào cũng cương cứng mặc dù chưa đến cữ con bú. Con bú bên này thì ngực bên kia chảy sữa.
- Giai đoạn 3: Từ tuần thứ 6 sau sinh đến khi cai sữa, sữa mẹ không còn căng tràn nữa mà sẽ về theo nhu cầu của con. Con bú bao nhiêu, sữa sẽ được sản xuất bấy nhiêu.
- Giai đoan cai sữa: Từ lúc mẹ cai sữa đến khoảng 12 tuần sau đó, ngực mẹ sẽ giống cấu trúc và kích thước trước khi mang thai, sẵn sàng cho chu kì mới của lần mang thai tiếp theo.
“Vậy móng giò liên quan gì đến việc lợi sữa?”
Như mình nói ở trên, khoảng 72 giờ sau khi sinh là lúc sữa về tràn trề nhất, ngực lúc nào cũng căng đầy sữa. Trùng hợp lúc này món móng giò vô tình lại “ghi công” ngay thời điểm sữa mẹ chuyển mùa. Mọi người đều lầm tưởng là nhờ ăn móng giò mà mẹ nhiều sữa.
“Mẹ sữa không cần ăn chân – cẳng – giò -móng của một loại động vật bốn chân nào mới có thể tạo đủ sữa cho con”
Món cháo móng giò không những không giúp mẹ nhiều sữa hơn mà còn nếu ăn thường xuyên chất béo động vật sẽ dễ gây tắt tuyến sữa.
Hồi mới sinh Silk, mình không hề ăn một chút móng giò nào chỉ có ăn canh đu đủ mà thôi mà vẫn đủ sữa nuôi Silk đến 10 tháng tuổi. Bởi đu đủ xanh được chứng minh rất tốt cho bầu vú vì có nhiều vitamin, đặc biệt vitamin E, và được công nhận có đặc tính lợi sữa cho phụ nữ sau sinh.
Mẹ cứ ăn nóng uống sôi, đủ chất, đa dạng thực phẩm, và ngủ đủ là sẽ đủ sữa để nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu nhé!
II. Ngộ nhận 8: Bà bầu phải đi đứng rón rén và không nên tập thể dục
Theo quan niệm xa xưa, khi mang thai, các mẹ bầu không được với tay lên cao, không dám kiễng chân, đi lại phải rón rén, không được sải chân quá xa…vì cảm thấy mỗi động tác vận động đều có rủi ro gây sẩy thai. Thật ra đây là một ngộ nhận sai lầm mà mọi người đều tin là thât.
Phụ nữ mang thai hoàn toàn có thể vận động bình thường, tập các bài tập nhẹ nhàng để duy trì thể lực và sự dẻo dai, trừ một số trường hợp được bác sĩ chỉ định cẩn thận trong khi vận động mà thôi.
Nói thật, lúc mang bầu 3 tháng, mình còn tham gia chạy bộ 5km cùng chồng. Anh xã nhà kêu em chi đi bộ thôi nhé! Nhưng mình vẫn “ghiền” chạy bộ nên chạy tèn tèn nhẹ nhàng và về đích thôi. Ngoài ra, mình vẫn duy trì đi bộ hằng ngày và tập yoga ít nhất 1 tiếng đồng hồ mỗi gày. Các bạn có thể search trên Youtube các bài tập yoga pregnancy phù hợp cho từng giai đoan thai kì.
Việc mẹ bầu vận động khoa học nhẹ nhàng không những giúp tinh thần thoải mái, giảm đau lưng khi mang thai, cơ bắp được căng giãn mà còn hỗ trợ thời gian phát triển bầu vú và tuyến sữa. Điểm đáng nói là theo khoa học đã chứng minh, những mẹ bầu siêng tập thể dục, vận động vừa phải sẽ sinh con có tỉ lệ thông minh cao hơn những so với những bà bầu lười vận động.
Trộm vía có thể do mẹ lúc mang bầu quá yêu thể thao nên Silk sinh ra cứng cáp, năng động, ăn ngủ đều tốt.
III. Ngộ nhận 22: Bé bú sặc vì sữa mẹ xuống nhiều, kẹp vú để bé khỏi bị sặc
Hồi mới sinh Silk xong, sữa mình về rất nhiều, nhanh và mạnh đến mức bắn thành tia. Không ít lần, Silk bị sặc do không nuốt kịp. Theo ông bà dạy là dùng hai ngón tay kẹp đầu vú lại để sữa xuống chậm hơn và hy vọng như thế bé không bị sặc nữa. Khi một phương pháp sai bị truyền tụng rộng rãi, nó sẽ trở thành một sự ngộ nhận phổ biến.
Thật ra phương pháp này không hề hiệu quả. Bé vẫn sặc, vẫn khóc, nhiều khi sợ bú mẹ. Sau đó, việc làm sai lầm này lại dẫn đến hậu quả sai lầm khác là bé được chuyển sang cho bú bình bằng sữa mẹ và mẹ vắt sữa cho con bú hoàn toàn, chứ bé không còn được bú trực tiếp nữa.
Để giải quyết vấn đề bé bị sặc khi sữa mẹ xuống nhanh, bạn phải cho bé bú khớp ngậm đúng với tư thế bú đúng.
- Khớp ngậm đúng: khi lưỡi của bé lè dài ra chạm môi dưới. Khi lưỡi dài ra như thế, phần thân và cuống lưỡi tạo ra lòng máng sâu hứng sữa.
- Tư thế bú đúng: tai-vai-hông thẳng hàng, cổ bé thẳng, ngửa tối đa.
Nếu bạn bảo đảm hai yếu tố khớp ngậm và tư thế bú đều đúng, bé sẽ được đảm bảo mút-nuốt-thở dễ dàng từng ngụm sữa lớn mà không hề bị sặc! Ngoài ra, thời gian bé bú no nhanh hơn và lượng sữa bé bú được cũng nhiều hơn.
Việc kẹp hai ngón tay vào đầu vú chặn sữa vừa khiến bé ngậm khớp không đúng vừa tăng nguy cơ tắt tia sữa, cương sữa rất cao.
Nhờ đọc và biết về ngộ nhận sai lầm ghê gớm này, mình cho Silk bú không còn bị sặc sữa nữa. Nếu thương con và thương bản thân mình, các bạn hãy là một người mẹ hiểu biết, đừng cuồng tin những ngộ nhận sai lầm.
Mình tạm kết thúc Phần 1 tại đây, hứa hẹn Phần 2 với những ngộ nhận sai lầm kịch tính hơn. Hi vọng với một chút đóng góp nho nhỏ qua bài viết, sẽ có nhiều bà mẹ bỉm sữa nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ hơn nữa cho trẻ khoẻ mạnh và phát triển toàn diện 😉
Để lại một bình luận