Chào các bạn,
Ai ai khi nghe các bé nhà mình 7:30 tối đã “lên giường” đi ngủ đêm, đều á ồ kinh ngạc và hỏi ngay:” Làm sao có thể tập bé ngủ sớm như vậy được?”. Bởi “Đi ngủ trễ” dường như trở thành tình trạng khá phổ biến của nhiều gia đình có con nhỏ. Số đông bạn bè mình đều có con bắt đầu đi ngủ lúc 10-11g đêm. Việc ngủ trễ này không những không tốt cho sự phát triển não bộ và thể chất của bé mà còn gây ảnh hưởng cho lịch sinh hoạt làm việc của ba mẹ.
Do đó, mẹ Silk muốn chia sẻ một số kinh nghiệm tập bé ngủ sớm cho các bạn trong bài viết ngày hôm nay. Với những ai đang “đau khổ” không biết làm sao để cục cưng nhà mình ngủ sớm hơn thì tham khảo ngay bài viết này nhé.
Tập con một nếp sinh hoạt ổn định
Nếu theo dõi blog Super Silk đủ lâu, chắc hẳn các bạn đã biết mình là người thích nuôi con một cách khoa học và độc lập. Đó là lí do vì sao mình đều tập EASY, tập tự ngủ cho cả hai bé khi chỉ mấy tuần tuổi.
Nhờ luyện thành công nếp sinh hoạt độc lập từ bé mà hai đứa nhà mình đều có giờ giấc sinh hoạt ổn định và rõ ràng. Nếu như bạn đã lỡ bỏ qua giai đoạn “rèn lính” này thì hãy bắt đầu tập bé một nếp sinh hoạt lành mạnh từ bây giờ không bao giờ muộn đâu.
Mình luôn có một “bedtime routine” hay còn gọi là “thủ tục trước khi đi ngủ “rất rõ ràng cho các bé. 6:00 tối là lúc gia đình mình ăn tối. Sau đó các con sẽ được tắm rửa, thay đồ ngủ sạch sẽ và chơi trong phòng. Mình cùng con kể chuyện, đọc sách, nghe nhạc, chơi trò chơi…trong vòng một tiếng. Thường từ 7-8:00 tối, mọi thủ tục này sẽ được hoàn thành và bé vào giấc ngủ. Sau 8:00 tối là giờ mình dành cho bản thân, làm việc hay thư giãn cùng chồng. 10:00 -10:30 tối vợ chồng mình đi ngủ đêm.
Nếu bạn là người đi làm hay về trễ thì sau khi cho bé ăn xong nên ưu tiên cho việc ổn định con đi ngủ trước rồi hãy làm những việc còn lại miễn sao bé nên lên giường trước 9g tối.
Kiên trì nhất quán trong một thời gian
Bất cứ thói quen nào khi thay đổi cũng đều rất khó nhưng không có nghĩa là không thể làm được. Bạn cần kiên trì nhất quán một thời gian tập đều đặn cho bé. Mình nghĩ chỉ cần bạn cố gắng từ 1-2 tuần thôi bé sẽ làm quen với việc đi ngủ sớm.
Khi bé đã quen với việc ngủ sớm, bạn có thể thi thoảng tạo ra một số ngoại lệ “ngủ trễ” khi có dịp vui của gia đình, du lịch hoặc ngày lễ.
Không la mắng hay gây áp lực cho bé
Những ngày đầu tiên, dĩ nhiên bé sẽ chưa quen và có thể không hợp tác. Không vì vậy mà bạn la mắng hay tạo áp lực cho bé. Việc này chỉ khiến bé uất ức, chán nản và càng không nghe lời ba mẹ mà thôi. Thay vào đó, bạn hãy ổn định cho bé lên giường mỗi ngày sớm hơn 30 phút. Hãy tâm tình nói cho bé hiểu lợi ích của việc đi ngủ sớm, thức dậy sớm là thế nào. Để hiệu quả hơn, bạn có thể “chiêu dụ” một số phần thưởng hấp dẫn khi con ngủ sớm giỏi.
Không cần vội vàng! Hãy lắng nghe và quan sát con cái mỗi ngày bạn nhé.
Xây dựng cho bản thân một lối sinh hoạt lành mạnh
Có một sự thật không thể phủ nhận là con cái chính là một phần bản sao của ba mẹ. Nếu bạn là người thức khuya, ngủ trễ, dậy trễ thì khó lòng mà bé đi ngủ sớm. Khi ba mẹ 11g đêm vẫn còn đang xem tivi, ăn uống, vui chơi thì làm sao con có thể yên giấc. Chính ba mẹ là người nên làm gương xây dựng cho bản thân một lối sinh hoạt lành mạnh trước, con cái nhìn thấy mỗi ngày sẽ noi theo.
Việc thức đêm không chỉ hại cho tim mạch, xấu cho da mà còn tổn hại đến các quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Nói đến bận thì ai cũng bận cả. Cốt lõi là bạn biết cách sắp xếp thời gian, ưu tiên hoàn thành những việc quan trọng như thế nào để có thêm thời gian cho bản thân và gia đình mà thôi.
Ngủ sớm thức sớm luôn là nếp sinh hoạt bất di bất dịch của mình. Mình ngủ trung bình một ngày có tầm 5- 6 tiếng thôi. Nhưng nhờ ngủ sớm và thức dậy sớm nên mình luôn cảm thấy sảng khoái, tỉnh táo và tràn đầy năng lượng. Bạn hãy thử chiêm nghiệm và thay đổi lối sinh hoạt lành mạnh hơn khi muốn tập con ngủ sớm nhé.
Mình vừa chia sẻ xong một số kinh nghiệm hữu ích giúp bé ngủ sớm. Mong các bé sẽ có những giấc ngủ sâu và lâu. Đồng thời ba mẹ có thêm thời gian cho bản thân và duy trì hạnh phúc gia đình nhé.
Mẹ Silk.
Trả lời